Trang 2 của 7 Đầu tiênĐầu tiên 1234 ... CuốiCuối
Kết quả 11 đến 20 của 69
  1. #11
    Ngày tham gia
    Nov 2015
    Bài viết
    0
    Như đã nói, hiện nay ở Đông Nam Á, người Bali và người Chăm (người Chăm Bàlamôn), do còn giữ lại nhiều truyền thống của Hindu giáo, vẫn còn dùng hệ thống lịch saka xưa. Thế nhưng, cả người Bali và người Chăm đều đã gắn kết hệ thống lịch 10 tháng truyền thống của mình vào hệ lịch saka. Cho nên, dù vẫn tính một năm có mười hai tháng, nhưng 10 tháng đầu của lịch Chăm và lịch Bali được gọi không phải bằng các tên tháng của Ấn Độ mà bằng số thứ tự (một truyền thống phổ biến của nhiều dân tộc bản địa ở Đông Nam Á)(14). Mười hai tháng trong năm của người Chăm được gọi như sau: bilan sà (tháng một), bilan đụa (tháng hai), bilan klụn (tháng ba), bilan pak (tháng tư), bilan limữ (tháng năm), bilan nam (tháng sáu), bilan tajuh (tháng bảy), bilan dalipan (tháng tám), bilan salipan (tháng chín), bilan sa pluh (tháng mười), bilan puis (tháng mười một) và bilan mak (tháng mười hai). Điều đáng lưu ý là, mười tháng đầu được gọi theo thứ tự số từ 1 đến 10, còn hai tháng cuối, như chúng tôi đã có lần phân tích (xem các bài đã dẫn ở chú thích số 3), là hai tháng mang hai cái tên của lịch saka: tháng Poush (mười hai/một) và tháng Magh (một/hai). Như của người Chăm, trong lịch của người Bali, 10 tháng đầu được gọi theo số thứ tự từ 1 đến 10: 1. Kasa, 2. Karo, 3. Katiga, 4. Kapat, 5. Kalima, 6. Kanam, 7. Kapita, 8. Kahula, 9. Kasanga và 10. Kadasa. Người Bali cũng dùng những tên gọi hai tháng của Ấn Độ cho vào hai tháng cuối, nhưng đó là hai tháng Jaath (sáu /bảy) và Ashaad (bảy/tám), hai tháng giữa năm dương, chứ không phải hai tháng cuối năm dương như của người Chăm(15).

    Như vậy là, dù chỉ sử dụng có hai tên gọi của lịch saka cho hai tháng cuối, người Chăm sử dụng trật tự các tháng trong năm gần giống của người Ấn Độ: tháng một của lịch Chăm gần như tương ứng với tháng Chait (ba/tư) năm của người Ấn Độ. Cũng chia năm thành các mùa như của Ấn Độ, thế nhưng, do điều kiện khí hậu có những nét khác biệt nên lịch của người Chăm chỉ có ba mùa: 1. Păl kabo (mùa đầu, hay mùa có tiếng sấm đầu tiên rền buổi đầu năm) từ tháng 1 đến tháng 4 lịch Chăm (tức là từ tháng tư và năm đến tháng bảy và tám DL.) và là mùa gieo hạt; 2. Păl halim hacan (mùa mưa gió) từ tháng 5 đến hết tháng 9 lịch Chăm (từ tháng tám và chín đến tháng mười hai và tháng một DL.) là mùa nước lớn vì lúc này lũ từ trên vùng núi chảy xuống nhiều; và 3. Păl pinh piang (mùa nóng nực, mùa trơ trụi) từ tháng 10 đến hết tháng 12 lịch Chăm (từ tháng một và hai đến tháng ba và tư DL.) là mùa gặt hái đã xong, ruộng đất còn trơ gốc rạ, trời nóng, cây cỏ không mọc nổi, thậm chí bị cháy xém đi, vì thế mùa này còn được gọi là mùa nắng.

    Dù rằng có tiếp nhận những ảnh hưởng của lịch pháp Ấn Độ, nhưng cách tính lịch và hệ thống lịch của người Chăm vẫn luôn gắn bó với thời tiết và công việc làm nông nghiệp của mình. Như cách tính năm truyền thống của các cư dân bản địa ở Đông Nam Á, những tháng đầu năm của lịch Chăm là thời gian chuyển mùa từ mùa nóng và khô sang mùa mưa và cũng là thời gian chuyển tiếp từ sau vụ thu hoạch của năm cũ sang một năm làm ăn, cày cấy mới. Ngay cái tên Păl kabo (mùa có tiếng sấm đầu tiên rền buổi đầu năm) đã phần nào chứng minh cho tính chất chuyển mùa trong những tháng đầu năm của lịch Chăm. Sau mùa Păl kabo mới thực sự tới mùa mưa và mùa cày cấy của người Chăm. Qua cách xác định những nét chính về thời tiết cũng như hoạt động sản xuất cho ba mùa trong hệ thống lịch truyền thống của người Chăm, có thể thấy rõ tính chất hai mùa khô và mưa vừa rất chung cho tính chất khí hậu của Đông Nam Á và cũng vừa rất đặc trưng cho vùng khí hậu Ninh - Bình Thuận, địa bàn cư trú chính của người Chăm hiện nay. Để hiểu rõ hơn về thời gian và những lễ hội chuyển mùa của người Chăm, không thể không lưu ý tới những đặc điểm khí hậu của vùng đất này.
    ______________________________
    (14) Về hệ thống lịch 10 tháng ở các dân tộc Đông Nam Á, chúng tôi (Ngô Văn Doanh) đã phân tích trong bài viết: 1. Rija Nưgar - lễ hội chuyển mùa của người Chăm, Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4, 1999, tr.49-56; 2. Năm mới - đi hội chuyển mùa của Đông Nam Á, Di sản văn hóa, số 1 (10), 2005, tr.33-37.

    (15) Về lịch pháp của người Bali, có thể xem: R.Friedrich, The civilization and culture of Bali, Calcutta, 1959.

  2. #12
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0
    Theo các nhà nghiên cứu, do ba phía bị núi non bao bọc, chỉ có phía đông là hướng ra biển, cho nên lượng mưa trung bình của Phan Rang (trung tâm của tỉnh Ninh Thuận) rất thấp (695mm) và chỉ trong 52 ngày, trong khi đó Đà Lạt nhận 1769mm trong 168 ngày, Nha Trang - 1356mm trong 116 ngày. Cũng theo tính toán của các nhà khí tượng, ở vùng Phan Rang, các tháng 1, 2, 3 và 4 (tương ứng với các tháng mùa nóng nực, trơ trụi của lịch Chăm), là thời gian khô hạn hoàn toàn; tiếp theo, mưa gia tăng dần vào các tháng 5, 6, 7 và 8 (tương ứng với các tháng của mùa có tiếng sấm đầu tiên đầu năm của lịch Chăm); và, thực sự mưa nhiều là vào các tháng 9, 10, 11 và 12 (tương ứng với các tháng mùa mưa gió của lịch Chăm). Tuy có mềm hơn do nằm sát vùng khí hậu Nam Bộ, nhưng khí hậu vùng Phan Rí (thuộc tỉnh Bình Thuận) vẫn ít mưa (vũ lượng trung bình hàng năm là 770mm và vẫn có hai mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10 DL.) và khô (từ tháng 11 đến tháng tư)(16).

    Do những đặc trưng về khí hậu quy định, nên người Chăm cũng như các dân tộc bản địa khác ở Đông Nam Á căn cứ vào một số sao và chòm sao để định lịch cho năm. Và những ngôi sao thiên văn quan trọng đó đối với người Chăm là sao Rua hay Tua Rua (tiếng Chăm: patu pingu rung) danh từ khoa học: pleiades) và sao Cày (tiếng Chăm: patu lingăl, danh từ khoa học: Baudrier d’orion). Theo cách tính của người Chăm, khi sao Tua Rua xuất hiện và sao Thần Nông (tiếng Chăm: patu aco, danh từ khoa học: sirus) bắt đầu ngồi thẳng dậy về phía bắc, là bắt đầu mùa mưa, khởi sự việc cày bừa và cũng là bắt đầu của một năm. Người Chăm tin rằng bao giờ sao Rua cũng phải nở vào cuối tháng hai lịch Chăm và các ông thầy bao giờ cũng phải tính sao cho khi sao rua nở phải đúng vào cuối tháng hai. Bởi vậy, năm nào mà đến cuối tháng một rồi mà sao Rua hãy còn cao, nghĩa là không thể nở kịp vào cuối tháng hai, thì các ông thầy gọi luôn tháng một thêm ấy là tháng mới và coi như là tháng thừa của năm trước (người Chăm gọi là bilan parâu). Và năm có 13 tháng ấy gọi là năm nhuận. Như vậy, thường thường cứ ba năm phải có một năm nhuận. Vì năm thường của người Chăm có 354 ngày (như năm của Ấn Độ), hay 355 ngày đối với năm có tháng nhuận (theo lịch Chăm, các tháng lẻ có đủ 30 ngày, còn các tháng chẵn chỉ có 29 ngày. Riêng tháng 12, cứ cách vài năm lại có một tháng nhuận 30 ngày), nên năm nhuận có 383 hoặc 384 ngày. Nếu trường hợp trời u ám… mà không xem được sao Rua, thì các ông thầy người Chăm xem sao Cày (nở sau sao Rua một tháng) để tính năm. Theo kinh nghiệm của người Chăm, chỉ sau khi sao Rua nở thì trời mới bắt đầu mưa. Và cũng theo kinh nghiệm của người Chăm, khi sao Rua nở, sẽ có những “tiêm lửa” (cách gọi của người Chăm) nóng làm chết hoa màu. Do vậy, người Chăm thường chờ cho sao Rua nở xong và đã có mưa, thì mới bắt tay vào công việc đồng áng. Và cái không khí làm ăn nhộn nhịp vào đầu năm của người Chăm được đúc kết vào những câu ca dao đầy sức sống: “Mùa cày rắn rít đầy đàn; Đến khi gặt lúa, họ hàng rất đông”, “Tạo xe lập chuồng nuôi trâu; Vóc to, sức mạnh để sau cậy nhờ; Vét mương, ngăn đập, đắp bờ; Xuyên rừng, băng núi, do nhờ đồng tâm”; “Chờ cho nước lũ, mưa dầm, Ruộng cày gieo lúa, đất bầm trồng khoai, Trồng cà, trồng mướp, bí, ngô; Tạm lòng vững dạ, đợt chờ lúa khoai”(17). Có ý kiến cho rằng, lúc xem sao Rua của người Chăm có thể đã chịu ảnh hưởng của người Việt. Đã từ lâu, người Việt lấy sao Tua Rua (gọi là tiết Mang Chủng, mang = tua rua, chủng = trồng trọt) mọc và sao Thần Nông ngồi thẳng dậy về phương bắc là bắt đầu mùa mưa, khởi điểm việc canh tác(18). Người Việt cũng có những câu nói về cái nóng của sao Tua Rua: “Tua rua mọc: vàng cây héo lá; Tua rua lặn: chết cá, chết tôm” và về mùa làm ăn mới khi mùa mưa tới: “Bao giờ cho đến tháng hai, Con gái làm cỏ, con trai be bờ…”; “Tháng Giêng chân bước đi cày, tháng hai vãi lúa ngày ngày siêng năng; Thuận mưa lúa tốt đằng đằng, tháng mười gặt lúa ta ăn đầy nhà”. Thế nhưng, không chỉ người Chăm, người Việt mà còn nhiều tộc người khác ở Đông Nam Á có truyền thống xem sao Rua và sao Cày để xác định điểm khởi đầu của một năm.

  3. #13
    Ngày tham gia
    Nov 2015
    Bài viết
    0
    Cũng như ở Ấn Độ, các năm của lịch Chăm cũng xếp theo chu trình mười hai con giáp:

    1. Thũn takũh năm con chuột

    3. Thũn rimong năm con hổ

    4. Thũn tapay năm con thỏ

    5. Thũn inư kiray năm con rồng

    6. Thũn ula năm con rắn

    7. Thũn athẽh năm con ngựa

    8. Thũn pape năm con dê

    9. Thũn kra năm con khỉ

    10. Thũn mưnũ năm con gà

    11. Thũn athõw năm con chó

    12. Thũn papuy năm con lợn.

    Cho đến nay, trong hệ thống lịch pháp của người Chăm, các ngày trong tuần vẫn còn giữ nguyên các tên gọi và các biểu tượng của lịch Ấn Độ: Chủ nhật biểu tượng Mặt trời (tiếng Chăm Adit, từ chữ Sanskrit: Rivit), Thứ hai - Mặt trăng (tiếng Chăm: Thôm, tiếng Sanskrit: Soma), Thứ ba - sao Hỏa (Angar - từ chữ: Mangala), Thứ tư - sao Thủy (Bút, từ chữ Bud), Thứ năm - sao Mộc (Jip - từ chữ Briha), Thứ sáu - sao Kim (Suk - từ chữ Sukra) và Thứ bảy - sao Thổ (Tha - từ chữ Sani).

    Thế nhưng hầu như không một lễ hội tôn giáo lớn nào của Ấn Độ còn hiện hữu trong đời sống văn hóa của người Chăm. Rất có thể, thời Chămpa xưa, người dân và tầng lớp vua chúa bên trên có thực hành những nghi thức và những lễ hội của Hindu giáo(20). Có thể thấy hình ảnh của những lễ thức và lễ hội Ấn Độ giáo này của người Chămpa xưa qua những hiện vật thờ phụng (như các Linga, tượng các vị thần Hindu, các ngôi đền tháp…), qua những hình điêu khắc đá, qua những ghi chép của bia ký… Thế rồi, những biến đổi của lịch sử và văn hóa đã làm mất dần và làm “dân gian hóa” đi hầu hết những yếu tố chính thống của đạo Hindu trong các lễ hội và nghi lễ tôn giáo của người Chăm hiện nay. Một trong nhũng yếu tố ít nhiều làm thay đổi các truyền thống Ấn Độ xưa trong đời sống văn hóa của người Chăm hiện nay là tác động của Hồi giáo. Do chịu ảnh hưởng của những người Chăm Hồi giáo (người Chăm Bàni), các năm trong hệ thống lịch pháp của người Chăm Bàlamôn còn được xếp theo chu trình 8 năm của Hồi giáo: Lía, Há, Chìm 1, Chù, Tầnr, Bá, Vao và Chìm 2. Những yếu tố văn hóa của đạo Hồi không chỉ có tác động đến việc tính lịch pháp mà còn có những ảnh hưởng nhất định tới nhiều phong tục, tập quán, trong đó có các lễ hội chuyển mùa của người Chăm Bàlamôn. Tất nhiên, ngoài yêu cầu nội tại trên, nhiều nguyên nhân khách quan khác về lịch sử chính trị, xã hội và văn hóa như việc sụp đổ của vương quốc Hindu giáo Chămpa vào cuối thế kỷ XV, quá trình hòa nhập của cộng đồng người Chăm vào đại gia đình các dân tộc Việt Nam… đã góp phần rất lớn làm cho những truyền thống văn hóa dân gian của người Chăm có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Nếu như trước kia, những nét văn hóa bản địa Đông Nam Á của người Chăm bị chìm đi hay bị hút vào những truyền thống của văn hóa Hindu, thì ngược lại, trong một vài trăm năm gần đây, những truyền thống văn hóa dân gian bản địa Đông Nam Á tưởng như đã mất vĩnh viễn kia lại có đất để phát triển và trở thành chính thống trong đời sống văn hóa của người Chăm hiện nay. Và những di sản của Hindu giáo trước kia hoặc mất dần đi, hoặc phải hòa mình vào những truyền thống văn hóa dân gian bản địa của người Chăm.
    ________________________________________
    (20) Về các lễ hội của Hindu giáo, có thể xem: Om Lata Bahadur, The book of Hindu: Festivals and Ceremonies, UBSPD, New Delhi, 2002.

  4. #14
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0
    Như đã phân tích, những truyền thống lịch pháp của Ấn Độ đã được người Chăm kết hợp một cách rất khéo và rất phù hợp với truyền thống lịch nông nghiệp 10 tháng của các dân tộc Đông Nam Á. Không phải ngẫu nhiên mà nông lịch của người Chăm, về cơ bản, giống với lịch của các dân tộc trên Tây Nguyên, chỉ khác là tháng nghỉ không tên của người Tây Nguyên được người Chăm thay bằng tên hai tháng của Ấn Độ. Và cũng như người Tây Nguyên và nhiều dân tộc khác ở Đông Nam Á, trong khoảng thời gian chuyển mùa, người Chăm tiến hành hàng loạt những lễ hội lớn nhằm tống tiễn những xui xẻo của năm cũ và cầu mong mọi sự may mắn, đặc biệt là mưa thuận gió hòa, cho cả một năm làm ăn mới.

    Trong suốt quãng thời gian chuyển mùa, tức mùa đầu năm (păl kabô) từ tháng 1 đến tháng 4 lịch Chăm (từ tháng 4 hoặc 5 đến tháng 7 hoặc 8 DL.), người Chăm tiến hành một loạt những lễ hội lớn, mà khởi đầu là lễ hội Rija Nưgar đầu năm (tháng 1 lịch Chăm), rỗi tới công lễ lớn Palao Sah (tháng 2) và kết thúc bằng lễ Yôr Yang (tháng 4 lịch Chăm, tháng cuối cùng của mùa đầu năm). Ngoài ba lễ chính mang tính toàn cộng đồng trên, trong thời gian chuyển mùa, một số địa phương còn tổ chức những lễ hội cầu mưa, cầu may đầu năm của riêng mình. Đó là lễ cúng Pô Nai đầu năm trên đỉnh núi Chà Bang và lễ cúng đầu năm của người Chăm làng Bỉnh Nghĩa…



    Lễ hội lớn mang tính cộng đồng đầu tiên bước vào khoảng thời gian chuyển mùa linh thiêng của người Chăm là những ngày hội Rija Nưgar.

  5. #15
    Ngày tham gia
    Nov 2015
    Bài viết
    0
    PHẦN THỨ HAI RIJA NƯGAR - TỐNG CỰU NGHÊNH TÂN


    Mặc dầu cũng mang những nội dung và chức năng - tống cựu, nghênh tân - như nhiều lễ tết đầu năm của các dân tộc khác trong khu vực Đông Nam Á, nhưng ở lễ hội Rija Nưgar của người Chăm có những sắc thái biểu hiện thật đặc biệt, có một không hai. Đó là những vũ điệu và những bài tụng ca vừa mang tính chất thiêng huyền bí lại cũng rất hào hứng và trần đầy tính nghệ thuật.

    CHƯƠNG BA Vũ điệu đạp lửa


    Cho đến nay chúng ta vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa của thuật ngữ Rica (đọc là Rija) hay Raca (đọc là Raja) dùng để chỉ một nhóm lễ hội được gọi là lễ Rica (nhiều người còn gọi là lễ hội Chà và) khá tiêu biểu của người Chăm Bàlamôn và người Chăm Bàni. Thế nhưng một điều mà nhiều nhà nghiên cứu đã thấy và rất đặc trưng cho lễ Rica là trong các lễ hội Rica bao giờ cũng có múa. Bởi vậy mà trong cuốn Từ điển Chăm - Việt - Pháp do G.Moussay chủ biên, từ Rica và Raca được dịch ra là lễ múa (cerémonie avec danses sacrees). Cũng trong cuốn từ điển này, một loạt lễ Rica được dịch ra tiếng Việt như sau: Raca hala ôn - lễ múa tạ, Raca thre - lễ múa trả nợ, Raca hyay - lễ múa trả nợ lâu dài, Raca Patruh - lễ múa tôn chức vũ sư, Raca Prong - lễ múa lớn, Raca harey - lễ múa ngày, Raca tayow - lễ múa đầu hôm và Raca Nưga - lễ múa tống ôn đầu tháng giêng Chăm(21).

    Như vậy, có thể nói đặc điểm quan trọng nhất hay nét nổi bật nhất của lễ hội Rija Nưgar nói riêng và các lễ Rica khác nói chung là múa. Và người múa cho lễ hội Rija Nưgar là ông thầy Bóng (ông kaing).

    Theo giải thích trong cuốn từ điển của G.Moussay, thì từ “kaing” nghĩa là lưng còn ông kaing lại nghĩa là ông Bóng hay vũ sư của các lễ Rica Harey và Rija Nưgar(22). Qua điều tra nghiên cứu trên thực địa, chúng tôi được biết người Chăm coi ông Kaing là người chuyên múa, nhưng múa theo phong tục và chỉ múa ở hai lễ Rija Nưgar và Harey chứ không múa cho những đám chết (những lễ nghi gắn với tang ma).

    Và ông Bóng (ông kaing) là linh hồn, là nhân vật trung tâm của lễ hội Rija Nưgar. Sở dĩ chúng tôi chỉ dám nói ông Bóng là linh hồn, là nhân vật trung tâm thôi vì ông không phải là người điều khiển hay làm chủ lễ hội này (tất nhiên là về mặt tôn giáo, tín ngưỡng). Chủ lễ trong hai ngày lễ hội Rija Nưgar là ông thầy Vỗ (ông Mưtồn). Mặc dầu về mặt chức năng trong buổi lễ thì ngang nhau và mỗi người một việc (ông thầy Vỗ thì hát các bài tụng ca các thần, còn ông Bóng thì múa theo), nhưng ông Bóng bao giờ cũng phải làm theo lời ông thầy Vỗ và phải múa theo bài ca mà ông thầy Vỗ hát. Chức năng của từng ông thì là như vậy, nhưng xét về vị trí trong các nghi lễ, ông thầy Vỗ và ông Bóng là hai người đồng chủ trì lễ hội Rija Nưgar.

    Việc ông Bóng là linh hồn và cũng là đồng chủ trì lễ hội chứng tỏ múa bóng do ông Bóng thực hiện là yếu tố quan trọng của Rija Nưgar. Và trên thực tế đúng là như vậy. Có thể nói, lễ hội Rija Nưgar là lễ hội của múa, chính xác hơn là của múa bóng hay múa thiêng. Không phải ngẫu nhiên mà trong cuốn Từ điển Chăm - Việt - Pháp của G.Moussay, từ Raca (đọc là Raja) - từ đồng nghĩa với Rica - được dịch ra tiếng Pháp là nghi lễ có múa thiêng (cérémonie avec danses sacrees)(23). Đề thấy rõ điều này, chúng ta hãy trở lại với những ngày lễ hội Rija Nưgar.



    (Ảnh: Các ông thầy chuẩn bị làm lễ)
    __________________________________________________ ___
    (21) Từ điển Chàm - Việt - Pháp, Gerard Moussay chủ biên, Trung tâm Văn hóa Chăm, Phan Rang, 1971, trang 342.

    (22) Từ điển Chàm - Việt - Pháp, sđd, trang 125.

    (23) Từ điển Chàm - Việt - Pháp, sđd, trang 342.

  6. #16
    Ngày tham gia
    Nov 2015
    Bài viết
    0
    Có thể nói, cả hai ngày lễ hội Rija Nưgar là cả hai ngày ông thầy Bóng múa. Tất nhiên mỗi ngày chỉ có một nghi thức chính thôi, và vì vậy ông Bóng chỉ múa lúc làm lễ thôi, nhưng nếu thiếu hai lễ thức có sự tham dự của ông Bóng thì làm gì còn lễ hội Rija Nưgar nữa. Mặc dầu ông Bóng múa trong cả hai ngày, nhưng nội dung và chức năng của các điệu múa đều thống nhất ở chỗ là các điệu múa thiêng, dành cho các thần của người Chăm.

    Tất nhiên múa trong các nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng bao giờ chẳng là múa thiêng và bao giờ chẳng linh thiêng. Và cũng như múa của các dân tộc khác trên thế giới, các động tác, các điệu múa của ông Bóng trong lễ hội Rija Nưgar chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc rồi biến mất ngay chứ không để lại một dấu tích gì. Nói như Jeanne Cuisinier thì “đó chính là phận nghèo của múa nhảy, nhưng đó cũng chính là vinh quang của múa nhảy”(24). Ấy thế mà trong mỗi động tác, mỗi điệu múa thiêng lại là những nhịp điệu là những hoài vọng mang tính vũ trụ mà người múa đã vượt lên bản thân trong chốc lát để hòa mình vào với cái vô biên và linh thiêng ấy. Bởi vậy, cảm nhận được cái thiêng của múa đã khó rồi chứ đừng nói gì tới việc trình bày được cái thiêng đó của múa ra thành lời.



    (Ảnh: Thầy Cả làm nghi thức trong lễ hội)
    Nghi lễ đầu tiên của lễ hội Rija Nưgar là lễ cúng thần (êw yang). Vào lễ hai ông Mưtôn và Kaing đốt trầm, rót rượu lần lượt mời các thần linh đến dự lễ. Vừa mời thần linh về, hai thầy vừa vái cầu các thần ban cho dân làng sự bình yên mưa thuận gió hòa… Chỉ sau khi cúng mời các thần xong, ông thầy Vỗ mới vỗ trống paranưng để các nghệ nhân đánh trống kinăng và thổi kèn saranai cùng hòa vào. Khi tiếng trống tiếng kèn nổi lên là bắt đầu nghi thức quan trọng nhất và tiêu biểu nhất của ngày đầu lễ hội Rija Nưgar - lễ múa. Không phải ngẫu nhiên mà các ông thầy Bóng nói với chúng tôi là phần thứ hai của ngày đầu lễ hội Rija Nưgar là múa thần (mya pô) hay múa cho từng vị thần (mya chưng pô).

    Trong phần đầu (phần lễ mời thần), các thần được ông Mưtổn mời về trong lễ êw yang khá nhiều và hơi khác biệt giữa các cụm làng với nhau. Xin dẫn ra đây những tư liệu về danh sách các vị thần được mời tại các làng khác nhau mà bản thân chúng tôi cũng như các đồng nghiệp đã sưu tập được. Tại lễ Rija Nưgar được tổ chức vào tháng tư dương lịch năm 1997 ở thôn Phước Đồng (Palây Blang Kacẳ), xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, thầy Mưtổn mời các vị thần sau đây về dự lễ:

    1. Yang Po (thần Trời)

    2. Pô Yang Amư (thầy Cha, đấng Tạo hóa)

    3. Pô inư Nưgăr (thần Mẹ Xứ sở)

    4. Pô Păn (Tổ sư thần Cò ke)

    5. Pô Tathun (một hiệu của vua Pô Klong Giray)

    6. Pô Giray - Pho (người phó vương miền núi)

    7. Pô Ramê (vua Pô Ramê đọc Pô Rô mê)

    8. Pô Săh (một vị quan văn)

    9. Pô Klong Kasăt (tên một vị vua Chăm)

    10. Pô Klong Kahur

    11. Pô Potau Yang In

    12. Pô Tang (thần giữ rừng quế)

    13. Pô Gihlau (thần giữ cây trầm)

    14. Pô Riya (thần biển)

    15. Pô Tăng Ahok (thuyền trưởng của Pô Riya)

    16. Cey Sit, Cêy Prong (cậu nhỏ, cậu lớn - những cận vệ của các thần)

    17. Pô Nay (một nữ tu sĩ)

    18. Nay Tang Ya (Pô Nay trước khi đi tu)

    19. Nay Hali Halăng Tabang Mưh (người phụ nữ đẹp tuyệt trần - vợ của Pô Klong Căn)

    20. Bia Atapah (Pô Nay khi đi tu)
    ______________________________________________
    (24) Jeanne Cuisinier, La danse sacrée en Indochine et en Indonesia, Paris, 1951, tr.50.

  7. #17
    Ngày tham gia
    Sep 2015
    Bài viết
    8
    Còn ở làng Vĩnh Thuận hay Bầu Trúc (Palay Hamu Crơ), tại lễ Rica Nưgar (Rija Nưgar) được tổ chức vào hai ngày 3 và 4 tháng Giêng lịch Chăm (9-10 tháng tư dương lịch năm 1997), chúng tôi ghi lại được danh sách những vị thần được Ông Ing (thầy múa) múa theo các bài Tăm-nưy (đơm nưng) hay các bài ca kể về tiểu sử của từng vị thần được mời. Những vị thần được ca trong Mya Pô (múa cho từng vị thần) ở Vĩnh Thuận là:

    1. Pô Riya

    2. Pô Gihlau

    3. Pô Thăn

    4. Pô Hanìm Pơr

    5. Pô Tathun (vua Pô Klong Giray)

    6. Pô Klong Giray Pho (phó vương, em vua Pô Klong Giray).

    7. Pô Ramê

    8. Pô Săh Ay (Pô Săh anh)

    9. Pô Săh Atey (Pô Săh em)

    10. Pô Klong Căn

    11. Pô Klong Kasăt

    12. Pô Tăng Ahok

    13. Pô Nay

    14. Pô Cey Tathun

    15. Pô Cay Jalim

    16. Pô Cey Sit, Cêy Prong

    17. Pô Patra Palay

    18. Pô Patra Nưgăr

    Nhà nghiên cứu Sử Văn Ngọc (người Chăm, công tác tại Trung tâm Văn hóa Chăm của tỉnh Ninh Thuận), sau khi đi điều tra ở nhiều làng Chăm khác nhau, đã tổng kết được một danh sách gồm 19 vị thần được mời đến dự lễ Rija Nưgar như sau:

    1. Pô Ginồn Patri

    2. Pô Tang

    3. Pô Gihlau

    4. Pô Riya

    5. Pô Thăn

    6. Pô Hanôm Pơr

    7. Cêy Tathun

    8. Pô Girai Bhok

    9. Pô Sah Inư

    10. Pô Klong Kasêt

    11. Nay Tang Ya Pia Atapah

    12. Cêy Jalim

    13. Cêy Săt Bil Bingu

    14. Pô Klong Giray

    15. Pô Ramê

    16. Pô Tăng Ahok

    17. Cêy Sit Cêy Prong

    18. Patra Palay 19. Patra Nưgăr(25)

    Cứ đến thêm một làng hay một cụm làng Chăm vào dịp lễ hội Rija đầu năm là có thể bổ sung thêm vào “thần điện” của người Chăm một vài vị thần nữa. Đến làng Bỉnh Nghĩa (Păl Riya), xã Phương Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, chúng tôi thấy trong danh sách các thần có thêm: Pô Tăm, Pô Pil-Thor.
    _______________________________
    (25) Tài liệu lưu tại Trung tâm Văn hóa Chăm của tỉnh Ninh Thuận.

  8. #18
    Ngày tham gia
    Apr 2016
    Bài viết
    0
    Như vậy là gần như tất cả các vị thần có đền tháp hay miếu thờ tự đều được người Chăm mời về dự các lễ Rija đầu năm. Các tháp và các đền miếu thờ các vị thần linh của người Chăm đã được liệt kê trong cuốn Từ điển Chăm - Việt - Pháp của G.Moussay(26). Các đền tháp và miếu đó là:

    1. Pimông (đền tháp) Pô Klong Giray (Phan Rang)

    2. Pimông Pô Rame (Hậu Sanh)

    3. Pimông Pô Inư Nưgăr (Tháp Bà, Nha Trang)

    4. Pimông Pô Inư Nưkar (Hữu Đức)

    5. Kalăn (tháp) Pô Tăm (đền Cậu, Tuy Tịnh)

    6. Kalăn Pô Sàh Inư (đền bà Tranh, Phan Rí)

    7. Tanỏ (miếu) Pô Riya (miếu ông, Vĩnh Trương, Hữu Đức, Thành Vụ, Ma Lâm và Phước Đồng)

    8. Tanỏ Pô Inư Nưkar (miếu bà chúa, Lạc Trị)

    9. Tanỏ Pô Kaprah (miếu ông, Vĩnh Hanh)

    10 Tanỏ Pô Klong Giray (miếu ông, Thành Vụ)

    11. Tanỏ Pô Pil-Thor (miếu ông, Bỉnh Nghĩa)

    12. Tanỏ Pô Klong Kahur (miếu ông, Phan Rí)

    13. Tanỏ Pô Klong Kasắt (miếu cậu, Đèo Cậu)

    14. Tanỏ Pô Giray - Pho (miếu cậu, Tấm Ngăn)

    15 Tanỏ Pô Mưh - Khang (miếu ông, Như Ngọc)

    16 Tanỏ Pô Săh (miếu ông, Chất Tường)

    17. Tanỏ Pô Klong Căn (miếu ông, Vĩnh Thuận)

    18. Pathat Pô Săh (bia Hữu Đức)

    19. Pathat Pô Yang Tikuh (bia tại Hữu Đức)

    20 Pathat Pô Săh (bia tại Bình Quý)

    21. Patow Pô Yang In (đá tại Trại Thịt)

    22. Pimông Yang Pakran (ba tháp, Hòa Lai).

    Qua những đợi điều tra điền dã còn thấy một số nơi thờ tự quan trọng khác nữa của người Chăm có liên quan tới những vị thần được mời về dự lễ Rija. Đó là: 1. Miếu thờ Pô Nay trên núi Chà Bang (tiếng Chăm: Cở Cabang) thuộc xã Phước Nam, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. 2. Miếu thờ Pô Riya ở làng Sơn Hải (Palay Til), xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận; 3. Miếu thờ Pô Riya ở làng Mỹ Nghiệp (Palay Cakleng), thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận; 4. Miếu thờ Pô Pya Shôi (vợ Pô Pil - Thôn) ở làng Bỉnh Nghĩa (Palay Păl Piya), xã Phương Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận; miếu thờ Pô Klong - Căn ở làng Bầu Trúc (Palay Tanaw Panrang), thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận; hòn đá Nẻ và bia đá Nẻ gắn với Pô Klong Giray (Patõw Taplăp) ở làng Chung Mỹ (Palay Păl Cong), thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận và hai khối đá Ông, Bà (patõw Nưm - Mữ pô Ông Pô Mư) cũng ở Chung Mỹ thờ hai ông bà có công lập ra làng Chung Mỹ và cũng được cúng vào dịp lễ Rija đầu năm.

    Thế nhưng trong cả hai ngày lễ (ngày vào và ngày ra) của lễ hội Rija Nưgar hiện nay, theo những tài liệu mà chúng tôi được biết qua điền dã, chỉ những vị thần sau đây là được nhận lời tụng ca của ông thầy Vỗ và điệu múa của ông Bóng (rất có thể trước đây tất cả các vị thần được mời về đều được ca tụng bằng múa và bằng lời tụng ca): 1. Pô Tang (Pô Klong Giray). 2. Pô Riyả. 3. Pô Gihlau (thần giữ cây Trầm - có thể là một tên gọi của nữ thần Pô Inư Nưgar), 4. Pô Thăn. 5. Pô Hamin Pơr. 6. Pô Thun Giray. 7. Pô Giray Pho (phó vương, em của vua Pô Klong Giray). 8. Pô Rame. 9. Pô Săh Inư, 10. Pô Tăng Anơ - Ôn War Palây. 11. Pô Nay. 12. Pô Cey Tathun (Pô Klong Giray). 13. Pô Cey Talim. 14. Cey Sit - Cey Prong. 15. Pảtra Thộ Lêla. Những bài tụng cả mười lăm vị thần trên đã được chúng tôi dịch và giới thiệu kỹ trong cuốn sách “Lễ hội Rija Nưgar của người Chăm”(27).
    _____________________________________
    (26) Từ điển Chàm - Việt - Pháp, Gerard Moussay chủ biên, Trung tâm Văn hóa Chăm, Phan Rang, 1971, tr.490-491.

    (27) Ngô Văn Doanh, Lễ hội Rija Nưgar của người Chăm, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1994, tr.220-308.

  9. #19
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0
    Khi nghiên cứu các lời tụng ca (toh mưtôn) mà ông thầy Vỗ ca lên trong lễ hội Rija Nưgar, chúng tôi đã nhận ra ba phong cách tương ứng với ba lớp văn hóa kế tiếp nhau trong lịch sử văn hóa của người Chăm: phong cách của người Chăm bản địa, phong cách bài cúng của thời kỳ tiền Ấn Độ và phong cách kể chuyện của thời kỳ chịu ảnh hưởng của văn hóa Hồi giáo(28). Theo chúng tôi, các thần trong thần điện của lễ hội Rija Nưgar cũng có ba lớp: Lớp các thần bản địa, lớp các thần xuất hiện thời người Chăm chịu ảnh hưởng Ấn Độ, và lớp các thần thời người Chăm chịu ảnh hưởng của Hồi giáo.

    Không còn nghi ngờ gì, Pô Inư Nưgar nữ thần mẹ xứ xở của người Chăm chính là vị thần bản địa của người Chăm. Đối với người Chăm, Pô Inư Nưgar là thần mẹ của xứ sở, là vị thần sáng tạo đã tạo lập nên xứ sở của người Chăm, là vị thần bảo vệ, che chở cho những người Chăm hiền lành, đặc biệt là đối với phụ nữ. Hình ảnh của nữ thần mẹ xứ sở Pô Nưgar được khắc họa cô đọng và đầy tính biểu tượng trong những lời cúng của các ông thầy. Những bài tụng ca và bài cúng mà chúng tôi dẫn ra dưới đây là quá quen thuộc đối với mỗi người Chăm cũng như đối với các nhà nghiên cứu Chăm.

    Bài tụng ca thứ nhất:

    “Ngài là nữ thần mẹ của Vương quốc.

    Ngài tạo dựng nên vùng đất cho cây cối và rừng gỗ quý sinh sôi.

    Ngài gây ra giống lúa và dạy dân trồng lúa.

    Vua trên trời ngửi thấy hương thơm của lúa đang trổ chọn, pha lẫn hương thơm gỗ trầm của người trần gian dâng tế trời.

    Pô Yan Inư Nưgar mới đưa lên trời một hạt lúa có cánh trắng như đám mây.

    Vua trên trời gieo hạt lúa ấy mà làm nên tất cả mọi giống lúa.

    Tuy chúng khác nhau về màu sắc bên ngoài, nhưng trong từng hạt lúa thì hoàn toàn như nhau.

    Pô Inư Nưgar ghét hạng người độc ác, giúp những người hiền lành”.


    Bài tụng ca thứ hai:

    “Thần còn có tên khác là Pô Inư Nưgar Nưgăr Taha (Thần mẹ lớn xứ sở) là nữ thần lớn của nước Chăm.

    Thần có tên nữa là Muk Juk (Bà Đen) thường được tôn gọi là Patao Kumây (vua của đàn bà) hoặc Stri Ratjnhi (chúa của phụ nữ).

    Thần sinh ra từ mây và bọt biển.

    Thần có 97 chồng, nổi tiếng nhất là Pô Amư (hay Pô Yan Amư - ngài Thần Cha).

    Thần sinh ra 38 cô gái.

    Thần sinh ra lúa gạo.

    Thần phù hộ cho mọi người và cho người làm ruộng”.


    Bài tụng ca thứ ba:

    “Ngày xưa, Pô Yan Inư Nưgăr sinh ra đất, gỗ trầm, lúa gạo.

    Gỗ trầm, gỗ kỳ nam từ Yan Inư Nưgăr nức hương thơm dịu dàng của lúa gạo.

    Kẻ nào đang sửa soạn têm trầu và ngửi thấy mùi hương của lúa gạo thì hãy dâng lên thần một lễ phẩm trái cây…”(29).

    Ngoài Pô Inư Nưgăr, trong lễ Rija còn có hai vị thần có nguồn gốc bản địa khác thường được mời nữa là Yang Po và Yang Amư. Đúng là Yang Po và Yang Amư là thần có gốc là thần linh và được coi là thần Cha (Yang Amư) và thần Trời (Yang Po), nhưng hầu như không có một bài tụng ca nào về hai vị thần này và cả hai vị đều không được thờ phụng và có miếu hay đền thờ. Thần Yang Amư xuất hiện trong các bài tụng ca Pô Inư Nưgăr như một trong những người chồng của nữ thần.
    __________________________________
    (28) Xem: Ngô Văn Doanh, Lễ hội Rija Nưgar… Sđd; Ngô Văn Doanh, Toh mưtôn trong lễ hội Rija Nưgar của người Chăm, những dấu ấn lịch sử, trong Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4 (43), 2000, tr.60-66.

    (29) Những bài tụng ca này chúng tôi dẫn theo: Văn Đình Hy, Từ thần thoại Pô Inư Nưgar đến Thiên Y-A-Na, trong Những vấn đề dân tộc học miền Nam Việt Nam, tập II, quyển 2, Viện Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, Ban Dân tộc học, 1978, tr.143-172.

  10. #20
    Ngày tham gia
    May 2016
    Bài viết
    0
    Tính chất bản địa của ba vị thần trên còn được thể hiện phần nào ngay trong tên gọi. Cả ba thần đều được gọi là Yang, một thuật ngữ bản địa chỉ các thần: Yang Po, Pô Yang Amư, Pô Yang Inư Nưgar.

    Lớp thần thứ hai là những vị vua và những nhân vật lớn đã được thần hóa và được thờ phụng trong những ngôi đền tháp cổ theo như truyền thống thờ thần của Bàlamôn giáo xưa có nguồn gốc từ Ấn Độ. Đó là vua Pô Klong Giray (có thể là Vidyanandana Suryavarmadeva (1151-1205) mà bia ký nói tới), người có công đánh đuổi quân Khmer và thống nhất nước Chămpa vào cuối thế kỷ XII, người có công tạo lập hai công trình thủy lợi lớn cho người Chăm ở vùng Panduranga xưa (nay là tỉnh Ninh Thuận): đập Nha Trinh và hệ thống Mương Đực - Mương Cái. Trong hệ thống lễ hội Rija Nưgar, vua Pô Klong Giray còn được ca tụng trong các bài tụng ca khác, dưới các tên gọi khác: Cêy Tathùn và Cêy Jalim. Vị vua này được thờ trong tháp Pô Klong Giray ở Phan Rang. Người bạn thuở thiếu thời, về sau trở thành tướng tài của Pô Klong Giray mà các truyền thuyết hay nhắc tới, Pô Klong Căn cùng vợ là Nay Hali Halăng Tabang Mưh cũng được mời đến và được tụng ca trong lễ hội Rija Nưgar.



    (Ảnh: Lễ Rija đêm)
    Vị vua thứ hai đã được thần hóa và luôn có mặt trong lễ hội Rija Nưgar là Pô Pame (theo biên niên sử hoàng gia của người Chăm, trị vì từ năm 1627 đến 1651)(30).

    Theo truyền thuyết kể lại, cuộc đời của Pô Rame thật kỳ lạ, thật vinh quang và cũng thật bi tráng: bà mẹ tự nhiên mang thai sinh ra, phải đi làm mục đồng, được lên làm vua, có công hòa giải những xung đột giữa hai đạo Bàlamôn và Hồi giáo trong người Chăm, có công đắp đập Marên, và cũng chính ngài làm sụp đổ vương quốc của mình. Như Pô Klong Giray, vua Pô Rame cũng có hình thờ và được thờ trong ngôi tháp có tên là tháp Pô Pame(31).

    Hai nhân vật lịch sử nữa đã được phong thần, được thờ phụng và được mời về lễ hội Rija Nưgar là vua Pô Kathit (hay Pô Dam) và chị gái của vua, công chúa Pô Sah Inư. Truyền thuyết kể rằng, công chúa Pô Sah Inư có công lớn tổ chức hướng dẫn nhân dân Chăm vùng Tuy Phong, Bắc Bình và Hàm Thuận ngày nay (tỉnh Bình Thuận) làm nông nghiệp, trồng bông dệt vải, làm thủy lợi… Bà lấy chồng và sống hạnh phúc. Chồng bà là lãnh chúa Pô Sahaniempar theo đạo Hồi ở vùng Ma Lâm (tỉnh Bình Thuận). Thế nhưng thái tử Pô Dam, em trai công chúa lại không muốn chị gái lấy chồng ngoại đạo. Nhân chuyến Pô Sahaniempar đi hành hương, Pô Dam bày mưu chia cắt hai người. Khi Pô Sah Inư gặp được chồng thì chồng bà do nghĩ là vợ đã phản bội mình (âm mưu của Pô Dam), đã trao tim cho nàng Chargo, người Raglay. Từ đó Pô Sah Inư về sống ở vùng Mũi Né (gần Phan Thiết) cho tới cuối đời. Sau khi bà mất, dân chúng thờ bà ở ngôi tháp Pô Sah Inư (hay tháp Phú Hài) ở Phan Thiết(32). Người em trai của Pô Sah Inư, hoàng tử Pô Dam (về sau là vua Pô Kathit - 1433-1460) cũng được thờ ở tháp Pô Dam (tỉnh Bình Thuận). Và cả hai chị em đều được thờ phụng như những vị thần trong những ngôi đền của Bàlamôn giáo.

    Thuộc lớp thần điện thứ ba của lễ hội Rija Nưgar là những vị thần đặc biệt. Nếu như ở lớp thứ nhất của thần điện Rija Nưgar là những vị thần sáng tạo có nguồn gốc siêu nhiên, còn ở lớp thứ hai là những vị vua chúa có công với nước với dân, thì những nhân vật được phong thần thuộc lớp thần điện thứ ba lại là những con người thuộc lớp bình dân, nhưng khác thường. Qua những truyền thuyết và các bài tụng ca, có thể thấy các nhân vật được phong thần ở lớp thứ ba này có những nét đặc trưng rất riêng. Trước hết, những con người này đều là con cái của những người không thuộc lớp vua chúa và đều là những người bình thường. Thứ hai là họ đều có một số phận khác thường: hoặc có cuộc đời của một giang hồ hảo hán, rong chơi khắp thiên hạ như Pô Hanim Pơr và Pô Tang Ahok; hoặc có cuộc đời éo le như duyên phận của nàng Pô Nay, như cuộc sống mồ côi của hai anh em Cêy Sít và Cêy Prong; hoặc có số phận bi tráng như của thần Nam Hải Pô Riya (bị chết ngoài biển rồi hóa thành cá voi). Và cũng như các thần ở hai lớp trên, các nhân vật được phong thần ở lớp thứ ba này đều là những người luôn sống vì mọi người, giúp đỡ mọi người.
    ______________________________________
    (30) M.E.M. Durand, Notes sur les Chams, BEFEO, V, 1905, tr.378.

    (31) Về hai ngôi tháp Pô Klong Giray và Pô Rame cũng như về cuộc đời hai vị vua này, chúng tôi đã phân tích và giới thiệu trong: Ngô Văn Doanh, Tháp cổ Chămpa, sự thật và huyền thoại, Nxb.Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1994 (tái bản 1998).

    (32) M.E.M Durand, Notes sur les Chams, Sđd. Tr.373-378; Phan Thiết, thành phố anh hùng lực lượng vũ trang, Thành ủy, HĐND-UBND-UBMTTQVN thành phố Phan Thiết.

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •