Chủ đề: Lễ hội chuyển mùa của người Chăm
-
08-08-2009, 05:03 AM #21
Junior Member
- Ngày tham gia
- Nov 2015
- Bài viết
- 0
Mặc dầu có nguồn gốc đều là những nhân vật ít nhiều có thực và đều là người Chăm, nhưng do xuất hiện vào thời mà đạo Hồi đã có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa của vùng Chăm, cho nên các vị thần thuộc nhóm thứ ba được khoác lên mình tấm áo của văn hóa Hồi giáo. Trong các truyền thuyết và các bài tụng ca về các vị thần này không ít lần xuất hiện vai trò của thánh Alla và thánh địa Mecca. Ngay phong cách ca tụng của các bài tụng ca cũng mang đậm dấu ấn của thể loại Hikayat của văn học Hồi giáo. Những ảnh hưởng của Hồi giáo còn để lại dấu ấn cả vào những truyền thuyết về những vị thần bản địa của người Chăm như việc nữ thần mẹ Pô Nưgar được coi như con gái của thượng đế Alla… Rồi thì, từng quãng đời đầy ly kỳ và phiêu lưu của Pô Klong Giray và Pô Rame được hiện vào những bài tụng ca riêng theo kiểu truyện thơ Hikayat.
Như vậy, qua thần điện, có thể nhận thấy tính bản địa và sự phát triển liên tục của lễ hội Rija Nưgar của người Chăm. Dù phải chịu những tác động của những ảnh hưởng văn hóa khác nhau, dù ít nhiều đã tiếp nhận những tác động của lịch sử, nhưng cho đến nay, lễ hội Rija Nưgar vẫn còn là một trong những lễ hội truyền thống đậm màu sắc văn hóa Chăm nhất. Có thể nói, hầu như tất cả các vị thần được mời về lễ hội Rija Nưgar đều là những vị thần bản địa của người Chăm. Theo nghiên cứu của chúng tôi, chỉ một số nghi lễ truyền thống bản địa của người Chăm như Padang Paday Tuan (lễ dựng chòi cày), Trun Trak (lễ mừng lúa non), Paday mưtia (lễ mừng lúa chửa), Kapao mưy (lễ hội chém trâu đen)… là có thần điện giống như thần điện của Rija Nngar. Điều này một lần nữa chứng tỏ nguồn gốc bản địa và sức sống mạnh mẽ của lễ hội Rija Nưgar đầu năm của người Chăm.
Dù thứ tự các thần được múa có thể khác nhau từ nơi này qua nơi khác, nhưng qua những tài liệu mà chúng tôi được biết ngoài điệu múa mà các thầy múa (ông Bóng) gọi là múa thường dành cho hầu hết các thần trong đó có hai điệu múa rất đặc biệt là múa chèo đò hay múa mía (mya tapow) và múa đạp lửa (mya ewa puy). Và cũng theo những tài liệu mà chúng tôi sưu tập và được biết, thì chỉ ở lễ hội Rija Nưgar và Rica Harey mới có mặt hai vũ điệu đặc biệt trên, và bao giờ điệu múa đạp lửa cũng được múa trước rồi mới đến điệu múa chèo đò. Hai vũ điệu với hai hình tượng tương phản nhau là lửa và nước với hai ước nguyện cũng đối lập nhau là dập tắt và cầu mong, nhưng theo suy nghĩ và phân tích của chúng tôi, lại hợp lại với nhau thành một logic, một biện chứng: cái này đi cái kia đến và cái đi và cái đến thường là hai sự vật hay hiện tượng tương phản nhau kiểu như tử - sinh, tan - hợp… Còn trong trường hợp của lễ hội Rija Nưgar thì là lửa - nước là dập tắt lửa đi để đón nước tới. Biện chứng của hai điệu múa đạp lửa và chèo đò của lễ hội Rija Nưgar chính là biện chứng của thời kỳ chuyển mùa ở một xứ sở chỉ có hai mùa khô và mưa mà lại rất nóng khô và mưa rất ít như ở vùng người Chăm Phan Rang. Và cũng chính biện chứng này là mục đích chính của lễ hội Rija Nưgar đầu năm của người Chăm.
Đến vũ điệu đạp lửa, ông thầy Bóng không chỉ múa trong rạp lễ mà còn phải ra ngoài múa. Rạp lễ là nơi ông Bóng chuẩn bị nhập thần và chuẩn bị mọi nội lực bằng tập trung tư tưởng, bằng uống rượu, bằng cúng khấn… Chứ cái đích chính của ông là bằng đôi bàn chân trần, thông qua điệu múa mạnh mẽ phải dập tắt đống lửa to mà mọi người đốt ở bên ngoài rạp lễ. Chúng tôi đã chứng kiến ông Bóng tên là Châu Đến khoảng 40 tuổi, ở thôn Mỹ Nghiệp đã gắng sức và xuất thần như thế nào để múa thành công vũ điệu này tại lễ hội Rija Nưgar năm 1997. Có thể nói, tất cả đều hỗ trợ để ông Bóng hoàn thành điệu múa: tiếng trống, tiếng kèn, lời ca dồn dập, mạnh hơn; người ta tiếp rượu cho ông Bóng nhiều hơn; ông Bóng thắt lại áo mũ, cầm thêm chiếc roi và không thể thiếu được sự cổ vũ cuồng nhiệt của toàn thể dân làng. Và trong không khí “bốc đồng” như vậy, ông Bóng “nhập” vào vị thần Pô Hanim Pơr - vị thần tài ba và mạnh mẽ nhất trong thần điện của người Chăm - rồi cầm roi vừa múa tiến ra đống lửa lớn đang bùng cháy. Ông múa lượn qua lượn lại vòng quanh đống lửa như muốn bảo cho đống lửa biết giờ phút mà ta sẽ phải dập mày đi sắp tới rồi. Và đột nhiên, ông Bóng hét lên, nhảy thẳng vào đống lửa. Tiếng nhạc, tiếng hò reo mạnh mẽ hơn, gấp gáp hơn, và nhịp nhảy của ông Bóng cũng nhanh hơn, khỏe hơn. Cuối cùng thì cả đống lửa bị dập tan tành, và ông Bóng từ từ múa và chuyển động vào rạp lễ. Lúc này, tiếng nhạc chậm hẳn và nhẹ hẳn đi để ông Bóng còn vừa múa vừa chuốc rượu mời các ông thầy đánh trống, thầy Vỗ… chắc là để cám ơn các ông đó đã giúp mình thành công trong vũ điệu đạp lửa ghê gớm vừa rồi. Ở đây chúng tôi muốn lưu ý một điều là, chỉ ở vũ điệu đạp lửa ông thầy Bóng mới uống nhiều rượu để lấy tinh thần và mời rượu sau khi múa thành công điệu múa.
-
08-11-2009, 05:22 PM #22
Junior Member
- Ngày tham gia
- Jan 2016
- Bài viết
- 0
Như vậy là, theo những tài liệu điều tra và những suy nghĩ của chúng tôi, một trật tự mang tính ma thuật được thể hiện qua những vũ điệu mà ông Bóng trình diễn ở ngày đầu của lễ hội Rija Nưgar đã rõ. Thoạt đầu, và theo chúng tôi, chiếm vị trí trung tâm của ngày đầu lễ hội, là vũ điệu đạp lửa. Hình ảnh ông Bóng mặc áo đỏ, cầm roi nhảy vào dùng chân dập tắt đống lửa đang rừng rực cháy là một biểu tượng mang tính ma thuật: cầu mong cho cái nóng, cái khô hạn ghê gớm của mùa khô hãy nhanh chóng qua đi để mùa mưa đến cho đất trời mát mẻ, cho cây cối tốt tươi và cho mọi người bước vào một năm làm ăn mới thuận lợi. Và như nhiều lễ hội dân gian khác, tại lễ hội Rija Nưgar, sau khi bày tỏ ước muốn tống tiễn năm cũ (chính xác hơn là cái khô nóng của năm cũ), thậm chí làm cả động tác ma thuật dập đi qua vũ điệu đạp lửa, người ta phải làm một nghi thức hay một hành động ma thuật nữa là tống tiễn hay tiễn đưa. Ở lễ hội Rija Nưgar hành động đó là vũ điệu chèo đò hay điệu múa mía như mọi người thường gọi.
Trong điệu nhạc bồng bềnh như sóng biển của trống paranưng và trống kinăng và lời tụng ca tha thiết của ông thầy Vỗ, ông Bóng cầm mái chèo hay cây mía (những nơi không còn có nghề đi sông biển) làm đạo cụ rồi vừa múa chèo thuyền vừa chậm rãi di chuyển vòng quanh rạp lễ lúc ra, lúc vào, lúc xoay phải, lúc xoay trái.
(Ảnh: Vũ điệu đạp lửa)
Đúng là vũ điệu đạp lửa, một điệu múa gắn với yếu tố lửa còn điệu múa chèo thuyền chắc hẳn là gắn với yếu tố nước dù rằng trong khi múa, ông Bóng không hề dùng tới nước như khi ông múa vũ điệu đạp lửa. Chúng tôi cũng nghĩ như vậy vì có sông, có biển, nghĩa là có nước thì mới có thuyền và chèo thuyền. Nhưng theo suy nghĩ của chúng tôi, trong lễ hội Rija Nưgar của người Chăm, điệu múa chèo thuyền không phải là hội nước, không phải là ma thuật cầu nước như ở nhiều lễ hội đầu năm của các dân tộc khác ở Việt Nam và Đông Nam Á mà đơn thuần chỉ là lễ thức mang tính ma thuật là tiễn đưa, ở đây là tiễn đưa mùa khô nóng đi. Cả lời tụng ca, cả những điệu nhạc trống đều nói về việc đi biển chứ không nói gì tới cầu mưa, cầu nước cả. Rồi thì điệu múa cũng là điệu múa chèo thuyền chứ không phải là vũ điệu cầu mưa, cầu nước. Rõ ràng toàn bộ vũ điệu chèo thuyền mà ông Bóng múa trong ngày đầu của lễ hội Rija Nưgar là nghi lễ tiễn đưa và là lễ tiễn đưa mùa khô nóng của năm cũ. Nghi thức tiễn đưa được thể hiện bằng múa chèo thuyền là một hình thức rất phổ biến của người Việt, của các dân tộc ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Sau điệu múa chèo thuyền tiễn đưa mùa khô nóng là đến ngay vũ điệu dâng hoa cho nữ thần Pô Nai, một điệu múa đặc biệt cuối cùng của lễ hội Rija Nưgar. Nếu so với hai vũ điệu đặc biệt mà chúng tôi đã phân tích là múa đạp lửa và múa chèo thuyền thì điệu múa dâng hoa này không được gọi là một điệu múa riêng. Khi múa điệu múa này, ông Bóng múa như múa các điệu múa bình thường khác. Và điệu nhạc của trống paranưng (trống vỗ có một mặt) và của trống kinăng (trống vỗ có hai mặt) cũng là điệu nhạc bình thường như các điệu nhạc trống khác (trừ hai điệu Pô Hanim Pơr và Pô Tăng Ahok của điệu múa đạp lửa và điệu múa chèo đò). Cái đặc biệt, cái khác ở điệu múa này là hành động dâng hoa trái cho nữ thần Pô Nai của ông Bóng. Nếu như ở các điệu múa thường khác, ông Bóng hoặc múa bằng tay không hoặc múa dùng các đạo cụ như quạt hoặc khăn… thì ở vũ điệu này ông Bóng không dùng đạo cụ mà vừa múa vừa dùng hai tay dâng khay hoa quả cho nữ thần. Và điều đặc biệt nữa, theo nghiên cứu của chúng tôi, là xét về mặt lễ thức, thì sau điệu múa dâng hoa, có thể nói, ngày đầu hay nghi lễ đầu tiên của lễ hội Rija Nưgar đã kết thúc. Trong điệu múa này, thông qua ông Bóng, nữ thần Pô Nai sẽ phán là năm tới thời tiết mưa gió sẽ ra làm sao và dân chúng sẽ phải làm gì để trời mưa thuận gió hòa cho mà làm ăn.
Mặc dầu sau lễ dâng hoa, ông Bóng còn múa một số điệu múa nữa, nhưng các vũ điệu này chỉ còn mang tính hình thức mà thôi. Do vậy có thể nói, trong nhiều điệu múa của ngày đầu lễ hội Rija Nưgar, chỉ có ba điệu múa là múa đạp lửa, múa chèo thuyền và múa dâng hoa là có những ý nghĩa mang tính ma thuật hay những chức năng mang tính ma thuật của một lễ hội chuyển mùa.
Qua phân tích tính chất các vũ điệu, đặc biệt là ba điệu múa có tính chất ma thuật khác nhau, chúng tôi nhận thấy một trong những chức năng chính hay mục đích chính của lễ hội Rija Nưgar là làm các nghi thức để dập đi, để tiễn đi cái mùa khô nóng của năm cũ cùng mọi điều xúi quẩy, không may của năm cũ. Tính chất của một lễ hội chuyển mùa ở Rija Nưgar thật rõ.
-
08-16-2009, 04:32 PM #23
Senior Member
- Ngày tham gia
- Sep 2015
- Bài viết
- 310
Hiện tượng dùng những hình nhân thay cho người sống làm một việc gì đó ở một thế giới siêu nhiên khác là phổ biến trong quan niệm và phong tục của nhiều dân tộc trên thế giới. Những hình chạm khắc và vẽ tại các kim tự tháp Ai Cập cổ đại, tượng nhà mồ của các dân tộc Tây Nguyên Việt Nam(36), đồ hàng mã của người Việt… là những ví dụ điển hình cho việc dùng hình nhân để giúp con người làm những công việc đặc biệt ở một thế giới hoàn toàn khác với thế giới của con người.
Sau khi đã được tra hồn, các hình nhân Salih coi như đã trở thành những đại diện thế mạng cho con người và những sinh linh sống đi làm một nhiệm vụ đặc biệt: đem mọi ô uế và tội lỗi của trần thế đi đến một thế giới khác để cho thế giới này của con người và những sinh linh sống được trong sạch khi bước vào năm mới. Để cho những Salih vững tâm và có sức lên đường làm nhiệm vụ, ông thầy Bóng bẻ bánh đúc hoa quả… ném vào các Salih cho chúng ăn. Vừa cho các Salih ăn, ông thầy Bóng vừa căn dặn chúng. Dưới đây là lời dặn dò các Salih của ông Bóng mà chúng tôi thu được tại làng Mỹ Nghiệp: “Này các Salih, các ngươi hãy đến gặp Pô Kuk và Pô Yang Amư (Thần Trời hay Thần Cha) thưa với các thần rằng, các ngươi và các Salih gia súc là những người và gia súc thay người và gia súc ở trần gian để mang đi những điều xấu xa, ô uế của cả năm cũ vào sông sâu, ra biển cả. Này các Salih, các ngươi hãy thay cho người và gia súc trên trần gian cầu xin các thần linh ban phúc lành, ban mưa thuận gió hòa để mọi người làm ăn thuận lợi, để mùa màng tươi tốt, bội thu. Này các Salih, các ngươi hãy nghe và làm theo lời ta dặn. Nếu các ngươi nói dối thì con kên kên, con quạ sẽ ăn thịt các ngươi; nếu các ngươi nói dối các ngươi sẽ đui mắt và ta sẽ trừng phạt các ngươi ở mười hai cửa ngục”.
Hai vị thần mà Salih sẽ phải đến gặp là ai?
Theo những tài liệu mà cho đến nay chúng ta có được thì cả hai vị thần Pô Kuk và Pô Yang Amư đều là những vị thần tối thượng trong hệ thống thần thoại cũng như trong quan niệm của người Chăm. Trong câu chuyện thần thoại về thần mẹ xứ sở Pô Inư Nưgar, thần cha Pô Yang Amư là một vị thần giúp Nữ thần mẹ tạo lập ra thế giới(37).
Còn về Pô Kuk thì được nói tới trong câu chuyện Sự tích gà gáy sáng hay còn được gọi là truyện Atmuhekát. Truyện Atmuhekát kể về thánh Pô Kuk Parahimuk, đấng sáng tạo ra vũ trụ và mọi vật trên trái đất. Xong mọi việc, Pô Kuk phái thánh Jparahimuk và các vị thánh khác xuống trần gian để cai quản thế giới(38).
__________________________________
(36) Về những tượng nhà mồ Tây Nguyên có thể xem: Ngô Văn Doanh, Lễ hội bỏ mả bắc Tây Nguyên, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1995.
(37) Về Pô Yang Amư, có thể tham khảo trong câu chuyện huyền thoại Nữ thần Pô Nagar được ghi lại trong Non nước Ninh Thuận của Nguyễn Đình Tư, Sài Gòn, 1974.
(38) Có thể tham khảo thêm về truyện Atmuhekát trong Văn hóa Chăm, khái luận - văn tuyển của Irasara, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1994, tr.34-35.
-
08-19-2009, 05:17 PM #24
Junior Member
- Ngày tham gia
- Nov 2015
- Bài viết
- 0
Trong các lễ Rija Nưgar của người Chăm, chỉ thần Pô Yang Amư là được mời về cùng một loạt các thiên thần và nhân thần khác, chứ không có tên thần Pô Kuk trong danh sách các thần được mời về dự lễ. Pô Yang Amư được người Chăm coi như vị thần Cha và có vị trí lớn thứ hai trong thần điện, sau nữ thần Mẹ Pô Inư Nưgar. Trong các bài tụng ca ca ngợi Pô Inư Nưgar, có nói Pô Yang Amư là người chồng nổi tiếng nhất trong chín mươi bảy người chồng của nữ thần. Còn các truyện cổ của người Chăm thì kể nhiều về việc thần Cha Pô Yang Amư giúp nữ thần Mẹ tạo lập ra thế giới: nữ thần giao cho Pô Yang Amư một chiếc tù và ốc (săng) để tạo lập ra vạn vật; thần thổi tù và lần thứ nhất làm cho trời đất quang đãng, thổi lần thứ hai làm cho loài người sinh nở, cây cối đơm hoa kết quả, thổi lần thứ ba thì loài người biết cảm xúc, súc vật biết kêu và chim biết bay… Thần Pô Yang Amư còn gieo lúa cho con người có gạo mà ăn, dạy dân cách trồng lúa, lấy lá cây làm thuốc, đánh đá lấy lửa, đặt ra tục lệ hàng năm…(39). Trong câu chuyện kể về nữ thần Mẹ Pô Inư Nưgar hay “sự tích cái cân”, thì nữ thần Pô Nưgar là đấng sáng tạo ra vũ trụ và vạn vật. Thế nhưng đến câu chuyện Sự tích gà gáy sáng hay truyện Atmuhebát, thì thần Pô Kuk (tên đầy đủ là Pô Kuk Parahimưk) lại là đấng sáng tạo duy nhất.
Truyện Sự tích gà gáy sáng kể rằng, Pô Kuk Parahimưk là vị thánh chúa tể ở thượng giới, có nhiều phép màu biến hóa ra muôn loài. Khi xong mọi việc, Pô Kuk phái thánh Jibrahimưk và các vị thánh khác xuống trần gian để cai quản thế giới. Các thánh này, vì bê tha rượu chè, nên bị quỷ sa tăng là Mưnưmas Sibai Kayông lấy mất cây cung và mũi tên vàng của Pô Kuk. Quỷ dùng cung tên đó bắn tan hết mười một mặt trời và mười một mặt trăng. May sao, có một mặt trời và một mặt trăng chạy trốn. Vì thế, vũ trụ trở nên tối tăm mù mịt.
Thức dậy, Pô Kuk nhổ lông mày hóa sợi chỉ, đặt sợi chỉ vào lòng bàn tay chứa ba giọt nước mắt, rồi đọc thần chú để làm ra cây nến. Khi biết mọi việc xảy ra như thế nào, Pô Kuk cùng các đại diện ưu tú của muôn loài đi tìm mặt trời và mặt trăng. Thánh Pô Kuk vượt đại dương với đôi bạn gà và vịt (gà gáy báo sáng, vịt làm thuyền chở đi) tới xứ Mưkah và thấy mặt trời và mặt trăng trốn trong con ngươi của thần. Pô Kuk hóa phép cho mặt trời và mặt trăng ra khỏi con ngươi của thần Rătnôkăk. Từ đó trái đất lại được mặt trời và mặt trăng chiếu sáng. Sau đấy, các thánh lại vâng lệnh Pô Kuk giáng thế để tái lập lại trần gian. Riêng loài người được giao việc cai quản, làm chủ mọi loài vật(40).
Trong Sự tích gà gáy sáng, có một cái tên của một vị thánh - thánh Jibrahimưk - gợi nhiều đến tên của vị thánh Abraham (tiếng Ả Rập là Ibrahim) - vị tổ của người Ả Rập và người Do Thái, đồng thời là người sáng lập ra đạo Nhất Thần. Theo “sách sáng thế” của Kinh thánh, Abraham, theo lời Đức Chúa phán, đã rời xứ Kharan tới vùng đất Cannan. Chính Đức Chúa đã dẫn ông ra khỏi vùng các dân tộc đa thần để biến ông thành người giữ gìn thiên khải và bảo tồn tôn giáo độc thần. Còn theo kinh Koran, thoạt đầu, Ibrahim thờ phụng trăng, sao và mặt trời, nhưng sau đó đã vĩnh viễn chỉ tin vào một vị thần duy nhất - đấng Alla. Ông đã cố thuyết phục cha mình và những người đồng bào của mình theo một niềm tin mới. Ông tranh luận rất nhiều cùng họ, nhưng không thuyết phục được họ. Ibrahim đã phá bỏ hầu như tất cả ngẫu tượng mà đồng bào của ông thờ phụng. Vì tội đó mà Ibrahim bị kết tội thiêu sống. Thánh Alla làm phép khiến ngọn lửa không mảy may xâm hại tới Ibrahim. Sau sự việc đó ông bỏ tổ quốc ra đi. Khi tuổi đã già, Ibrahim mới được trời ban cho hai người con trai là Ismain và Isác. Theo lệnh của Alla, một trong hai người con của Ibrahim phải bị đem tế sinh. Cũng theo kinh Koran, Ibrahim được coi là “bạn” của Alla, là một “halip” (thủ lĩnh tinh thần của người Hồi giáo) - người đầu tiên từ bỏ đa thần giáo và bắt đầu theo đạo nhất thần. “Niềm tin của Ibrahim” đã được Mohammed làm sống lại. Kinh Koran còn nói, chỉ “Niềm tin của Ibrahim”, chứ không phải Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo, mới là niềm tin đích thực của mọi người. Kinh Koran còn gán việc dựng hòn đá Kaaba cho Ibrahim(41).
_____________________________________
(39) Về Pô Yang Amư, có thể tham khảo trong câu chuyện huyền thoại Nữ thần Pô Nagar được ghi lại trong Non nước Ninh Thuận của Nguyễn Đình Tư, Sài Gòn, 1974.
(40) Về Sự tích gà gáy sáng, có thể tham khảo: a. Inrasara, Văn hóa Chăm, khái luận - văn tuyển, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1994, tr.34-35; b. Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận, Truyện cổ dân gian Chăm, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2000, tr.9-13.
(41) Về Ibrahim, có thể đọc trong Kinh thánh (Sách sáng thế) và trong kinh Koran (sách của Ibrahim hay Những cuốn sách của Ibrahim).
-
08-25-2009, 05:14 PM #25
Junior Member
- Ngày tham gia
- Nov 2015
- Bài viết
- 0
Thế nhưng cả trong lễ hội Rija Nưgar và trong truyện Sự tích gà gáy sáng, thánh Jibrahimưk hầu như không có một vai trò gì cả, mà chỉ một mình Pô Kuk là được nhắc tới và là nhân vật chính của câu chuyện. Vậy, Pô Kuk là vị thánh nào của đạo Hồi (phần cuối của cái tên Pô Kuk Parahimưk đã cho biết nguồn gốc Hồi giáo của thần)? Sau khi nghiên cứu kỹ lễ thức Palaw Salih và câu chuyện Sự tích gà gáy sáng, chúng tôi cho rằng Pô Kuk (đúng ra là Kuk vì Pô chỉ là danh xưng mà người Chăm dùng để gọi các thần linh của mình) chính là nhân vật Nuk trong thần thoại Hồi giáo; còn lễ thức Palaw Salih là hình ảnh con thuyền của Nuk cứu sống các đại điện của con người và muôn loài qua trận đại hồng thủy.
Trong thần thoại Hồi giáo, Nuk là một nhà tiên tri. Kinh Koran còn gọi Nuk là “người giáo huấn sáng láng” cho những người đồng tộc tội lỗi của mình, là “kẻ nô lệ tri ân”, “phái viên trung thành” của thánh Alla. Theo ghi chép của kinh Koran, thánh Alla phái Nuk đến chỗ những người tội lỗi không chịu nghe theo giáo thuyết của ngài (kinh Koran, Sura 71 “Nuk”). Thánh Alla lệnh cho Nuk đóng một cái thuyền. Sau đấy, “cái lò lửa sôi lên” và trận đại hồng thủy đã nhấn chìm tất cả những con người tội lỗi, kể cả người vợ và người con trai tên là Kanan của Nuk. Chiếc thuyền của Nuk đến cập bến ở núi al-Griudi. Về sau, những câu chuyện của người Hồi giáo đã thêu dệt thêm nhiều tình tiết hấp dẫn xung quanh sự tích về hồng thủy và con thuyền của Nuk, về cơ bản, giống với câu chuyện về Noê (tiếng Do Thái: Noah) của Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo.
Trong các truyền thuyết của đạo Do Thái và đạo Cơ Đốc, Noê là người ngoan đạo, người làm chiếc thuyền, là người cứu vớt thế giới các loài chim thú, là vị tổ của toàn bộ loài người (thông qua ba người con trai của mình) đã thoát qua trận đại hồng thủy trong con thuyền của mình. Kinh thánh (sách sáng thế) kể rằng, trước hồng thủy, từ tổ phụ Adam, con người sinh ra ngày một đông đúc và ngày một thêm gian ác, xấu xa. Thấy cảnh tượng như vậy, Đức Chúa phán: “Ta sẽ xóa bỏ khỏi mặt đất con người mà ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời, vì ta hối hận đã làm ra chúng”. Nhưng ông Noê được đẹp lòng Đức Chúa. Ông là người công chính, hoàn hảo giữa những người đồng thời. Vì thế Thiên Chúa phán với ông Noê: “Ta đã quyết định giờ tận số của mọi xác phàm, vì tại chúng mà đất đầy bạo lực. Ngươi hãy làm cho mình một chiếc thuyền bằng gỗ bách… Ta sắp cho hổng thủy, nghĩa là nước lụt, để tiêu diệt mọi xác phàm có sinh khí dưới gầm trời. Nhưng ta lập giao ước của ta với ngươi: ngươi cùng các con trai ngươi, vợ ngươi và vợ của các con trai ngươi vào thuyền; trong mọi sinh vật, ngươi sẽ đưa vào thuyền mỗi loại một đôi, để giữ cho chúng sống với người, phải có một con đực, một con cái…”. Ông Noê đã làm như Thiên Chúa truyền. Thế rồi, cơn hồng thủy kéo dài bốn mươi ngày trên mặt đất, và tất cả mọi loài vật đều chết hết. Sau khi nước rút, ông Noê ra khỏi tàu cùng vợ, các con trai và các người vợ của họ. Mọi loài vật, mọi gia súc, chim chóc, mọi vật bò dưới đất ra khỏi tàu, theo từng giống. Thế là, từ đó bắt đầu một trang sử mới của con người và mọi loài trên mặt đất. Và Thiên Chúa ban cho con người làm chủ tất cả muôn loài(42).
Mặc dầu câu chuyện của người Chăm và của đạo Hồi có khác nhau về hình thức thể hiện nội dung, nhưng về cơ bản, cốt truyện đều gồm những tình tiết sau: 1. Sau khi đã được tạo lập, thế giới bị nhấn chìm (bởi đại hồng thủy của Hồi giáo và bóng tối vì không có mặt trời và mặt trăng trong truyện cổ Chăm); 2. Xuất hiện đấng cứu thế (Pô Kuk của người Chăm và Nuk của Hồi giáo); 3. Con thuyền của nhân vật cứu thế (con vịt và chiếc thuyền gỗ); 4. Thế giới được lập lại tốt đẹp hơn trước và loài người được giao việc cai quản làm chủ muôn loài. Rất có thể, theo suy nghĩ của chúng tôi, câu chuyện Sự tích gà gáy sáng với nhân vật trung tâm là Pô Kuk ít nhiều đã mô phỏng cốt truyện về hồng thủy của Hồi giáo. Và nếu đúng như suy đoán của chúng tôi, thì lễ thức làm các Salih (hình người và vật bằng bột gạo) và dùng thuyền thả các Salih (palaw salih) xuống sông (hoặc biển) trong lễ hội Rija Nưgar cũng ít nhiều gợi lại hình ảnh con thuyền cứu thế của Nuk (và của Noê). Và cũng theo suy nghĩ của chúng tôi, việc ông thầy Bóng dùng bột gạo nặn những hình người và vật, mỗi loài một cặp đực và cái, ở chừng mực nào đó, là mô phỏng những cặp người và vật được đưa lên con thuyền cứu thế và được cùng Pô Kuk thoát khỏi sự trừng phạt của thánh thần.
__________________________________
(41) Về Ibrahim, có thể đọc trong Kinh thánh (Sách sáng thế) và trong kinh Koran (sách của Ibrahim hay Những cuốn sách của Ibrahim).
(42) Về Noê và Nuk, có thể xem trong Kinh thánh (Sách sáng thế) và trong kinh Koran (Nuk).
-
08-31-2009, 04:34 PM #26
Junior Member
- Ngày tham gia
- Aug 2015
- Bài viết
- 0
Trước đây, khi viết về lễ thức Palaw Salih(43), tôi nghĩ rằng các Salih và lễ Palaw Salih là dư ảnh đã biến thái của việc hiến sinh xưa vốn rất phổ biến ở các nghi lễ của Ấn Độ giáo. Thế nhưng, từ bấy đến giờ (từ năm 1998 - năm viết cuốn sách Lễ hội Rija Nưgar), tôi luôn băn khoăn tại sao tế sinh của Palaw Salih lại phải cần mỗi loài một cặp hơn nữa sao lại tế sinh nhiều loài vật đến thế? Giờ đây, sau khi tìm ra Pô Kuk chính là Nuk và các hình người và vật cũng như việc cho các hình đó lên thuyền thả xuống nước là mô phỏng con thuyền cứu thế của Nuk, tôi mới hiểu rõ hơn ý nghĩa của lễ Palaw Salih (lễ tống ôn đầu năm) trong lễ hội Rija Nưgar đầu năm của người Chăm. Việc tái diễn lại câu chuyện con thuyền cứu thế và sự tái lập lại thế giới trong sạch hơn mà câu chuyện về Pô Kuk (hay Nuk trong Hồi giáo) muốn nói tới, một lần nữa, chứng minh cho tính chất chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, cho ước muốn tống khứ mọi uế tạp của năm cũ để bước sang năm tốt đẹp hơn trong lễ hội Rija Nưgar của người Chăm. Thế nhưng, các hình thức mới của Hồi giáo này lại phủ lên lớp văn hóa bản địa cổ hơn: lễ tống ôn đầu năm - một phong tục phổ biến của nhiều cư dân Đông Nam Á. Ngay ở lời dặn dò của ông Bóng với các Salih đã nói trên có thể thấy, sự kết hợp yếu tố Hồi giáo và truyền thống bản địa đã lộ ra ở tên hai vị thần mà các Salih phải tới: Pô Kuk và Pô Yang Amư (vị thần Hồi giáo được đặt lên trước).
Mặc dầu ở cả trong hai câu chuyện huyền thoại trên đều có mang những dấu ấn thêm thắt về sau, nhưng hai vị thần là Pô Kuk và Pô Yang Amư mà các hình nhân Salih phải đến gặp đều là những vị thần sáng thế cả. Về Pô Yang Amư thì không cần phải bàn vì vị thần này là vị thần Cha nguyên thủy trong cặp hai vị thần sáng thế là Pô Inư Nưgar - nữ thần Mẹ xứ sở và thần Cha Pô Yang Amư. Chỉ có điều khá đặc biệt trong huyền thoại này là ở chỗ người Chăm vốn là một dân tộc cho đến nay vẫn còn giữ lại được những truyền thống mẫu hệ, vị thần tạo thiên lập địa là nữ thần Mẹ còn vị thần tạo vật là nam thần - thần Cha. Còn Pô Kuk trong truyện Atmuhekát thì hoàn toàn là một vị thánh Hồi giáo được thay thế vào ví trí là vị thần sáng thế vốn của nữ thần mẹ xứ sở Pô Inư Nưgar. Như vậy là, hai vị thần sáng thế là đàn ông, một của người Chăm và một của Hồi giáo đều cùng song song tồn tại trong nghi lễ thả các hình nhân Salih của người Chăm. Điều cũng cần lưu ý nữa ở đây là vị trí của hai vị thần này trong lời dặn các Salih của ông Bóng: Pô Kuk ở vị trí đầu và Pô Yang Amư ở vị trí sau. Đây cũng là một tư liệu chứng tỏ những yếu tố Hồi giáo đã thâm nhập khá mạnh vào trong các nghi lễ của lễ hội Rija Nưgar. Trở lại với cái địa ngục mà ông thầy Bóng dọa các hình nhân Salih. Ông dặn các Salih phải nghe và làm theo lời ông ta, nếu các Salih mà không nghe, không làm đúng thì sẽ bị ông trừng phạt ở mười hai cửa ngục. Xét về mặt nào đó, ông thầy Bóng có vai trò gần như thánh Alla, còn các Salih thì gần như trở thành những tín đồ ngoan ngoãn của thần thánh rồi. Như vậy, theo chúng tôi, mười hai cửa ngục mà ông Bóng dọa Salih tại lễ hội Rija Nưgar chính là khái niệm địa ngục mà người Chăm tiếp nhận từ Hồi giáo. Lại một bằng chứng nữa về ảnh hưởng của Hồi giáo trong lễ hội Rija Nưgar của người Chăm. Thế nhưng, khi đề cập tới đạo Hồi ở đây không phải là chúng tôi muốn nói tới khía cạnh tôn giáo mà muốn nhấn mạnh vào ảnh hưởng văn hóa của thế giới Hồi giáo Mã Lai và quần đảo Indonesia (Chà Và) - một thế giới văn hóa của người Chăm trong suốt nhiều thế kỷ - vào văn hóa nói chung và lễ hội Rija Nưgar nói riêng của người Chăm. Và không chỉ ở khái niệm địa ngục và tên các thần mà ông Bóng nhắc tới đây, ngay sau lời nhắc đó, trong lễ múa hát tiễn các Salih, những yếu tố Chà Và lại xuất hiện ngay.
__________________________________
(43) Ngô Văn Doanh, Lễ hội Rija Nưgar của người Chăm, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1998.
-
09-02-2009, 07:32 PM #27
Senior Member
- Ngày tham gia
- Dec 2015
- Bài viết
- 174
Sau khi đã làm lễ “tra hồn” và “căn dặn” các Salih, hai ông thầy Vỗ và thầy Bóng bắt đầu dâng lễ mời các thần về. Tất cả các thần linh của người Chăm đều được mời về. Và lễ vật dâng các thần lúc này hoàn toàn là những đồ chay gồm: xôi chín đĩa, bánh đúc chín đĩa, bỏng gạo và các loại hoa quả như chuối, dừa, mía và trầu cau. Lúc này, chiếc vỉ tre có mang hình các Salih được đặt ở chính giữa trong rạp lễ và ông thầy Vỗ, có sự phụ họa của trống kinăng và kèn saranai, vừa vỗ trống paranưng vừa hát tiễn (atol palaw) các Salih. Điều đáng lưu ý ở đây là theo lời của các cụ già người Chăm, các bài hát tiễn mà ông thầy Vỗ hát đều bằng tiếng Chà Và mà những người Chăm bình thường không hiểu được. Trong lúc ông thầy Vỗ hát tiễn thì ông Bóng múa tiễn (mya palaw) các Salih. Chỉ khi những nghi thức đưa tiễn (hát tiễn đưa, múa tiễn đưa) đã làm xong tại rạp lễ (kacang), thì lễ tẩy uế rạp lễ (papah kacang), một nghi lễ khá đặc biệt thể hiện sự kết hợp giữa truyền thống xưa của người Chăm với những ảnh hưởng của những yếu tố Hồi giáo (qua người Chăm Bani) bắt đầu.
Theo tiếng Chăm thông thường, từ Papah có nghĩa là miệng, là miếng. Thế nhưng đối với người Chăm Bani (người Chăm theo đạo Hồi cũ) thì Papah là tẩy uế(44). Và theo những tài liệu mà chúng tôi ghi lại được tại Bàu Trúc vào dịp lễ hội Rija Nưgar đầu năm 1997, trước khi cúng Papah, phải làm lễ cúng cho Pô Awlăh - một vị vua theo Hồi giáo của người Chăm đã được phong thần. Biên niên sử Chăm có ghi rằng vua Pô Awlăh trị vì từ năm 1000-1036 tại kinh thành Sri Binưi (thành Phật Thệ hay Đồ Bàn ở Quy Nhơn) và đã đi hành hương thánh địa La Mecque. Cũng theo biên niên sử các đời vua Chiêm Thành, thì Pô Awlăh là người gốc vùng Hồi giáo Trung Đông(45). Còn các truyền thuyết về Pô Awlăh thì hiện vẫn còn được lưu truyền rộng rãi trong đồng bào Chăm (cả người Chăm Bani và người Chăm Bàlamôn). Ngay trong những truyền thuyết về Pô Awlăh cũng có sự hòa hợp giữa những yếu tố truyền thống cũ của người Chăm và những ảnh hưởng mới của Hồi giáo. Trong huyền thoại sáng thế hay còn được gọi là “cái cân”, Pô Awlăh là một trong hai trợ thủ đắc lực của nữ thần mẹ Pô Inư Nưgar trong việc tạo lập vũ trụ và thế giới. Huyền thoại kể rằng, sau khi tạo ra vũ trụ và vạn vật, nữ thần Nưgar sai người trợ thủ của mình là Pô Awlăh dùng thân mình hóa thánh đường rồi truyền dạy giáo lý cùng phong tục Hồi giáo cho người Chăm Bani(46).
Đúng là trong suốt quá trình thực hiện các nghi lễ của lễ hội Rija Nưgar, các yếu tố của Hồi giáo hay Hồi giáo Chà Và cứ thỉnh thoảng lại lóe lên. Nhưng chỉ đến lễ tẩy uế, nghi lễ cuối cùng của lễ hội Rija Nưgar tại rạp lễ thì yếu tố Hồi giáo gần như chiếm vị trí chủ đạo. Điều này chứng tỏ trong lễ hội Rija Nưgar, những yếu tố Hồi giáo là những yếu tố không phải là chính mà được áp vào sau này. Lễ cúng tẩy uế (Papah) kết thúc bằng việc xua ra khỏi nhà lễ tất cả mọi ô uế. Công việc này được thực hiện bằng những động tác mang tính ma thuật của ông thầy Bóng: ông cầm roi vừa múa, vừa hét xua đuổi, rồi gom tất cả mọi ô uế vào tấm trần bằng vải trắng được treo trong rạp lễ ngay phía trên khu vực làm bàn thờ. Đến lúc cảm thấy tất cả mọi uế tạp đã được dồn vào tấm vải, ông Bóng vội cuốn ngay tấm vải đó lại rồi ném tấm vải ra tít ngoài bãi xa trong tiếng reo xua đuổi của mọi người. Quả thật, nếu chỉ nhận biết qua tên gọi và tên thần được cúng ở lễ tẩy uế thì chúng ta dễ nghĩ lễ thức này là của yếu tố Hồi giáo ghép vào. Thế nhưng, lễ thức tẩy uế bằng cách xua đuổi vào dịp đầu năm là nghi thức rất phổ biến ở nhiều dân tộc trong khu vực Đông Nam Á. Tiếng pháo giao thừa trong những ngày Tết của người Việt là một trong những ví dụ điển hình. Rồi thì hội té nước trong năm mới của người Lào, người Campuchia, người Thái, người Myanmar; việc hò reo, đánh mõ, đốt đuốc đuổi ma quỷ vào ngày đầu tiên của năm mới ở người Bali (lndonesia)… cũng mang tính ma thuật như hành động của ông Bóng trong lễ tẩy uế vào dịp lễ hội Rija Nưgar đầu năm của người Chăm.
_______________________________________________
(44) Xem Từ điển Chàm - Việt - Pháp, Sđd. Tr.362.
(45) Theo Thiên Sanh Cảnh, Biên niên sử các vua Chiêm Thành, Nội san Phan Rang, số tháng 5/1974, tr.15.
(46) Có thể tham khảo huyền thoại này trong Non nước Ninh Thuận của Nguyễn Đình Tư, sđd và trong Văn học Chăm, sđd.
-
09-07-2009, 05:13 PM #28
Member
- Ngày tham gia
- Jan 2016
- Bài viết
- 10
Sau lễ tẩy uế mới thực sự đến đỉnh điểm của lễ hội Rija Nưgar ở ngày thứ hai và cũng là ngày cuối cùng - thả các Salih ra biển cả sông sâu như người Chăm thường nói. Và việc thả các Salih cũng là nghi thức cuối cùng của lễ hội Rija Nưgar. Khác với tất cả các nghi lễ trước đó được diễn ra trong rạp lễ, nghi lễ Palaw Salih được tiến hành ngoài trời. Khi tấm vải trần rạp lễ màu trắng đã cuốn hết mọi ô uế vào và đã được ông Bóng ném đi thì người ta bê tấm đan đựng các Salih ra khỏi rạp lễ để đem thả các Salih đó xuống nguồn nước gần làng nhất (hoặc biển, hoặc sông, hoặc mương…). Các Salih được bê đi trước, ông thầy Bóng múa tiễn phía sau. Tới nơi đã định ở bên bờ sông (hoặc biển, hoặc mương, hoặc suối…) ông thầy Vỗ và ông Bóng thả các hình nhân Salih xuống nước. Đến đây lễ hội Rija Nưgar coi như kết thúc. Mọi người trở về rạp lễ để tháo dỡ rạp rồi ra về.
Đến đây chúng tôi có thể đặt dấu chấm hết cho phần viết của mình về các hình nhân thế mạng trong lễ hội Rija Nưgar của người Chăm được rồi. Đúng là mọi việc hay mọi nghi thức đều diễn ra hợp lý và có chức năng cũng rất hợp lý. Thế nhưng có một điều mà chúng tôi cứ băn khoăn và cảm thấy “hơi thừa” trong lễ thức cuối cùng là việc thả các Salih xuống nước. Nếu đối chiếu hay so sánh với công việc hay nghi lễ có mục đích tương tự như Palaw Salih của các dân tộc khác thì ta sẽ thấy không nhất thiết phải đem các hình nhân tống ôn ra tận biển mà chỉ cần ném ra vườn, vào bụi cây gần rạp lễ là xong. Hơn thế nữa, nơi người Chăm cư trú hiện nay lại là nơi vừa hiếm nước vừa ít sông, ít suối. Chính vì cái vị trí địa lý khô nóng nhất và ít nước nhất của Việt Nam này, tức nơi cư trú của người Chăm, đã khiến chúng tôi nghĩ tới các ý nghĩa cổ hơn và cũng là thực tế hơn của việc thả các Salih này trong lễ hội Rija Nưgar của người Chăm.
(Ảnh: Thả các hình nhân trôi sông)
Đúng là nhiều dân tộc, đặc biệt là các dân tộc ở Đông Nam Á, thường dùng nước để tẩy uế, để tống ôn. Người Việt chả vẫn thường hay nói: “có tội thì lội xuống sông” là gì. Chúng tôi không phủ nhận chức năng của nước đối với các Salih cũng như vậy. Nhưng nếu nhìn vào cái đích mà Salih phải đến thì không phải và không nhất thiết phải bằng đường nước. Thậm chí cứ giả dụ là có con đường nước dẫn tới nơi ở của Pô Yang Amư và Pô Kuk đi, thì xét về mặt hình thức, người ta phải làm thuyền cho các Salih chứ (việc làm thuyền chở các hình nhân không phải là hiếm thấy ở các dân tộc Việt Nam và Đông Nam Á). Bởi vậy, theo suy nghĩ của chúng tôi, việc thả các Salih xuống nước với mục đích tống ôn là chức năng muốn áp lên rồi át luôn cái ý nghĩa ban đầu của việc thả các hình nhân mà chủ yếu là các loại gia súc, hạt và quả các loại cây trồng. Không cứ gì ở Rija Nưgar của người Chăm mà ở nhiều lễ hội truyền thống khác của nhiều dân tộc trên thế giới, các lớp chức năng của các nghi lễ luôn được bổ sung, chồng chất lên nhau thậm chí thay thế nhau. Có thể dẫn ra đây một ví dụ là lễ hội Loi Krathoong (lễ hội thả đèn của người Thái, người Campuchia, người Myanmar).
Lễ hội thả đèn của người Thái thường được tổ chức vào hôm rằm của tháng 10 và tháng 11, bên các dòng sông, dòng suối. Người ta thả những chiếc chén lá có thắp nến sáng bên trong xuống nước khiến cho vào những ngày rằm đó các dòng sông của Thái Lan… sáng lấp lánh như những dòng sông sao. Cho đến ngày hôm nay, Loi Krathoong gần như biến thành hội vui chứ không còn mang những ý nghĩa tôn giáo nữa. May thay, học giả nổi tiếng người Thái Lan, ông Phya Anuman Rajadhôn đã bóc ra cho chúng ta thấy cái ý nghĩa ban đầu của Loi Krathoong là cuộc dâng lễ hàng năm cho nữ thần nước. Và dần dần, theo thời gian, Loi Krathoong được gắn với việc tiễn đưa tổ tiên đi, sau khi mời các cụ về ăn cỗ với con cháu…(47)
Về Palaw Salih, chúng tôi cho rằng ở nghi thức này đã có một vài lớp chức năng phủ lên. Và theo chúng tôi, lớp chức năng ban đầu của Palaw Salih như ở Loi Krathoong, cũng là dâng lễ đầu năm cho nữ thần nước để cầu mong mưa thuận gió hòa. Nếu được xem vũ điệu đạp lửa của ngày hôm trước của lễ hội với chức năng ma thuật là dập đi sự khô nóng để cho mưa thuận gió hòa tới thì ta sẽ thấy sự hợp lý trong chức năng tạ ơn nữ thần nước của Palaw Salih trong ngày thứ hai của lễ hội Rija Nưgar. Và cũng như ở lễ hội thả đèn của người Thái, ở Palaw Salih của người Chăm, các vật tế tạ ơn dần dần trở thành những hình nhân thế mạng giúp con người mang đi mọi tội lỗi tai ương. Cái ý nghĩa của lễ tống ôn trong Palaw Salih theo chúng tôi, là xuất hiện về sau này, và là lớp thứ hai.
Sau hai ngày lễ hội Rija Nưgar đầu năm được tổ chức tại các đền miếu hay các khoảng trống thiêng của làng, các dòng họ và các gia đình tiếp tục những lễ cúng tế riêng.
____________________________________
(47) Phya Anuman Rajadhon, Văn hóa dân gian Thái (bản dịch tiếng Việt), Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1988, tr.62-63.
-
09-10-2009, 05:33 PM #29
Junior Member
- Ngày tham gia
- Nov 2015
- Bài viết
- 0
PHẦN THỨ BA
HÀNH HƯƠNG ĐẦU NĂM
Ngoài ra, trong khoảng thời gian sau Rija Nưgar, người Chăm còn tổ chức những cuộc hành hương tới các địa điểm linh thiêng trong vùng để dâng lễ và cầu cúng. Hình thức, lễ thức và mục đích của các cuộc cúng tế đầu năm này, về cơ bản, giống với của Rija Nưgar. Còn những địa điểm linh thiêng kia thì đều là những di tích gắn với những vị thần linh được người Chăm thờ phụng. Đó là núi Chà Bang nơi thờ nữ thần Pô Nay; là tháp Phú Hài, nơi thờ nữ thần Pô Shanư, là những đền miếu thờ thần sóng Pô Rijak, là đền-lăng Bà Đỏ, là núi Đá Trắng…
CHƯƠNG NĂM
Núi Chà Bang
Vào những năm 90 của thế kỷ XX vừa qua, khi đi nghiên cứu lễ hội Rija Nưgar đầu năm ở tỉnh Ninh Thuận, tôi đã có dịp được theo đồng bào Chăm lên đỉnh núi Chà Bang để hoàn thành lễ cúng Pô Nai. Vì hồi đó, do mải tập trung để hoàn thành cuốn sách Lễ hội Rija Nưgar của người Chăm(48), tôi chỉ đi xem cho biết chứ chưa có ý định nghiên cứu sâu lễ cúng này. Thế rồi, sau khi cuốn sách Lễ hội Rija Nưgar được in xong, tôi lại có nhiều dịp vào Ninh Thuận với đồng bào Chăm. Và không chỉ lễ cúng Pô Nai, không chỉ đỉnh núi Chà Bang mà nhiều hiện tượng văn hóa khác liên quan đến vùng núi đặc biệt này đã cuốn hút sự chú ý của tôi. Sau nhiều lần đi điều tra điền dã vùng núi Chà Bang và theo những dấu tích có liên quan với nhân vật Pô Nai và với lễ cúng Pô Nai trên đỉnh núi Chà Bang, tôi dần dần nhận ra vì sao núi này lại trở thành hòn núi thiêng đối với người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận.
Có thể nói, một trong những thắng cảnh thiên nhiên gây ấn tượng nhất về vẻ dáng đặc biệt của mảnh đất cực Nam Trung bộ là ngọn núi cao có đỉnh chẽ ra như cái chạc nổi lên ở giữa vùng đồng bằng Ninh Thuận (cách Phan Rang chừng 20km về phía Nam) có tên là núi Chà Bang. Tên của hòn núi là cái tên của người Chăm đặt cho (tiếng Chăm: Cơn Cabang) và cái tên ấy có nghĩa là Núi Nạng (hay núi Chạc, núi hình cái chạc). Chính cái hình thù khá kỳ lạ và ấn tượng ấy của quả núi đá được giải thích bằng những câu chuyện truyền thuyết lý thú của hai dân tộc cư trú lâu đời nhất ở tỉnh Ninh Thuận: người Chăm và người Raglai.
Truyền thuyết của người Chăm (sự tích Pô Nai) kể rằng, xưa kia, có một gia đình quý tộc người Chăm sinh ba chị em gái là Nai Mưh Ghang, Nai Hali Hlăng - Tabăng Mưh và Nai Tangya (tức Pô Nai). Trong ba chị em, Pô Nai là người có nhan sắc hơn cả.
Vào thời đó, có một chàng trai người Raglai đẹp tướng, hào hoa phong nhã, sức khỏe phi thường và có tài thần võ, tên là Kay Kamao. Biết Pô Nai có sắc đẹp tuyệt vời, chàng trai người Raglai đem lễ vật đến cầu hôn và hứa, nếu được nhận lời, chàng sẽ đào một con sông bắt nguồn từ La Ngà (Ukaabăng) để dẫn nước tưới cho đồng ruộng khu vực cha mẹ Pô Nai (nay là các xã Phước Hữu, Phước Dân, Phước Nam và Quán Thẻ). Cha mẹ Pô Nai nhận lời cầu hôn của Kay Kamao, nhưng với điều kiện là khi con sông được đào xong mới tổ chức lễ cưới. Thế là, chàng trai đã đào xong con sông đem nước tưới cho cả vùng.
Lễ cưới được tiến hành. Thế nhưng, Pô Nai lại buồn vì bị cha mẹ ép gả. Vào đêm thứ ba, nàng bỏ nhà lên núi Chà Bang tu hành. Hiểu rằng vợ chê mình, Kay Kamao tự ái, bèn dùng gậy phá bằng con sông, rồi hóa phép trấn lại cửa sông không cho nước xuống. Chàng còn dùng cung bắn một mũi tên phá ngay tảng đá mà Pô Nai ngồi tu hành. Tảng đá bị nứt làm hai.
Nhờ sự quyết tâm tu luyện, Pô Nai đã đắc đạo. Khi đắc đạo nàng được gọi là Nai - Tangya Bia Atapah(49).
___________________________________
(48) Ngô Văn Doanh, Lễ hội Rija Nưgar của người Chăm, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1998.
(49) Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận, Truyện cổ dân gian Chăm, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2000, tr.55-58.
-
09-13-2009, 03:53 AM #30
Junior Member
- Ngày tham gia
- Mar 2016
- Bài viết
- 0
Còn hình ảnh bà Pô Nai tu hành thì được khắc họa vào bài hát tụng mà ông thầy Vỗ (Mưtổn) hát lên trong lễ cầu cúng Pô Nai:
“Ngài đi tu ở rừng sâu
Có hai con rắn nằm hầu hai bên.
Ngài đi tu ở núi cao,
Có hai con hổ ra vào thăm nom.
Ngày đi tu ai biết nào
Đành cam chịu khổ dựa vào rừng cây.”(50)
Người Raglai cũng có sự tích núi Chà Bang. Truyền thuyết của người Raglai kể rằng: “Ngày xưa, vùng đất giữa sông Cái và sông Lu rất khô cằn. Người Raglai và người Chăm cùng được huy động để đào thêm mương lấy nước. Ở một làng kia có một chàng trai Raglai rất tài giỏi, tên là Kamau. Kamau có chiếc gậy thần, chọc lỗ xuống đất đến đâu nước chảy đến đó. Một hôm, khi ông kéo chiếc gậy thần để đào mương, đến gần một làng Chăm, ông gặp một nàng con gái Chăm rất đẹp tên là Nai Rakna. Ông đâm ra say mê nàng và quên luôn cả việc đào mương. Do đó, hiện nay con mương này đến đây thì ngừng, không còn tiếp tục đổ ra sông nữa. Nhưng nàng Rakna chê và sợ ông vì ông đóng khố và luôn đeo một cây dao bên mình. Ông cứ đuổi theo mãi khiến nàng sợ chạy trốn vào núi - nay là núi Pô Nai (núi Thím). Kamau thấy Nai Rakna khinh khi mình thì tức giận. Ông giương cung bắn một mũi tên vào ngọn núi mà Rakna đang trốn trong đó làm ngọn núi chẻ hai. Nay đồng bào gọi núi đó là núi Chà Bang (núi Chạc) hay còn gọi là núi Nai, núi Thím(51).
_______________________________
(Ảnh: Núi Chà Bang (chính giữa), nơi thờ Pô Nai)
(50) Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận, Truyện cổ dân gian Chăm, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2000, tr.55-58.
(51) Theo Người Chăm ở Thuận Hải, Sở Văn hóa - Thông tin Thuận Hải, 1989, tr.228-229. Theo tiếng Chăm, Nai có nghĩa là cô, thím.
1. Góc nhìn thực tế: Vị trí khuất, có thể tránh tai mắt của mọi người, thuận tiện cho khách hàng đến cửa. Vì các sản phẩm do choi tinh duc dành cho người lớn rất đặc biệt, nếu chúng được mở ở một...
Nguyên nhân cửa hàng đồ chơi tình yêu luôn mở trong góc khuât?