TÍN NGƯỠNG SÙNG BÁI CON NGƯỜI

1. Trong con người có cái vật chất và cái tinh thần. Cái tinh thần trừu tượng, khó nắm bắt, nên người xưa đã thần thánh hóa nó thành khái niệm “linh hồn”, và linh hồn trở thành đầu mối của tín ngưỡng. Người Việt và một vài dân tộc Đông Nam Á còn tách linh hồn ra thành hồn và vía. Người Việt cho rằng con người có 3 hồn, nhưng vía thì nam có 7, nữ có 9.

Chết tức là cơ thể chuyển từ trạng thái động trở thành tĩnh, cho nên theo triết lý âm dương thì hồn đi từ cõi Dương (Dương gian, Dương thế) sang cõi Âm (Âm ti, Âm phủ). Đó là một “thế giới bên kia”. Ở vùng nông nghiệp sông nước này thì “thế giới bên kia” cũng là nơi sông nước, ngăn cách chúng ta bằng 9 suối (9 – con số lẻ ước lệ biểu thị số nhiều); tới đó phải đi bằng thuyền: thời Đông Sơn, người chết được chôn trong những quan tài bằng thân cây đẽo theo hình thuyền. Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và suốt miền duyên hải Trung Bộ còn lưu giữ nghi lễ “chèo đưa linh” – hội các bà múa điệu chèo đò và hát những câu đưa tiễn linh hồn người chết về nơi chín suối.

Miếu thờ Thổ Công ở Thạnh Phú - Cà Mau
Niềm tin rằng chết là về với tổ tiên nơi chín suối, tin rằng tuy ở nơi chín suối nhưng ông bà tổ tiên vẫn thường xuyên đi về thăm nom, phù hộ cho con cháu là cơ sở hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Nó có mặt ở nhiều dân tộc Đông Nam Á và là nét đặc thù của vùng văn hóa này. Ở người Việt, nó gần như trở thành một thứ tôn giáo (nhiều nơi gọi là đạo Ông Bà), ngay cả những gia đình không tin thần thánh cũng đặt bàn thờ tổ tiên ở trong nhà.

2. Trong gia đình, ngoài thờ tổ tiên, người Việt Nam còn có tục thờ Thổ Công. Thổ Công – một dạng của Mẹ Đất – là vị thần trông coi gia cư, định đoạt phúc họa cho một gia đình. Sống ở đâu thì có Thổ Công ở đó: Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá.
Mối quan hệ giữa Thổ Công (địa thần) với ông bà tổ tiên (nhân thần) trong gia đình rất thú vị: Thổ Công định đoạt phúc họa cho cả nhà nên là vị thần quan trọng nhất, nhưng ông bà sinh thành ra ta được tôn kính nhất. Để không làm mất ai, người Việt Nam xếp cho tổ tiên ngự tại cái bàn thờ tôn kính nhất ở gian giữa, còn Thổ Công thì ở gian bên trái (theo Ngũ hành thì bên trái – phương Đông là nơi quan trọng thứ hai sau trung tâm). Tuy địa vị kém nhân thần nhưng quyền lực lại lớn hơn – Thổ thần được coi là Đệ nhất gia chi chủ. Mỗi khi giỗ cha mẹ, đều phải khấn Thổ Công trước rồi xin phép Ngài cho cha mẹ được về “phối hưởng”.

3. Tín ngưỡng thờ thần của Việt Nam không chỉ đóng khung trong phạm vi gia đình. Ngoài các vị thần tại gia, còn có các thần linh chung của thôn xã hoặc toàn dân tộc.

Trong phạm vi thôn xã, quan trọng nhất là việc thờ thần làng (Thành Hoàng). Cũng như Thổ Công trong một nhà, Thành Hoàng là vị thần cai quản, che chở, định đoạt phúc họa cho dân làng đó. “Thành Hoàng” là một từ Hán – Việt xuất hiện sau này để chỉ một khái niệm đã có từ lâu đời ở các làng quê Việt Nam mà người dân miền núi quen gọi là ma làng.
4. Trong nhà thờ gia tiên, trong làng thờ Thành Hoàng, thì trong nước, người Việt Nam thờ vua tổ - vua Hùng. Mảnh đất Phong Châu (Phú Thọ), nơi đóng đô của các vua Hùng khi xưa, trở thành đất Tổ. Ngày 10-3 là ngày giỗ Tổ. (Tục thờ vua Tổ chỉ có ở Việt Nam – điều này càng cho thấy tính đặc thù của tục thờ cúng tổ tiên ở người Việt Nam).

Thánh Gióng - Một trong "Tứ bất tử"
Người Việt Nam còn có một tín ngưỡng đặc biệt là thờ Tứ Bất Tử (bốn người không chết): Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đông Tử và Liễu Hạnh.

Tản Viên (với truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh) và Thánh Gióng (với truyền thuyết Thánh Gióng) là biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết của một cộng đồng cư dân nông nghiệp, để, một mặt ứng phó với môi trường tự nhiên là chống lụt, và mặt khác ứng phó với môi trường xã hội là chống giặc ngoại xâm. Sự phối hợp thần thánh ấy đã dựng nên Đất Nước.
Có đất nước rồi, được sự sống yên ổn rồi, con người Việt Nam không mơ ước gì hơn là xây dựng một cuộc sống phồn vinh về vật chất và hạnh phúc về tinh thần. Chử Đồng Tử - người nông dân nghèo với hai bàn tay trắng đã cùng vợ gây dựng nên cơ nghiệp với phố xá sầm uất, mang hàng ra biển buôn bán với khách thương nước ngoài – chính là biểu tượng cho ước mơ thứ nhất. Liễu Hạnh – người con gái xã Vân Cát (huyện Vụ Bản – Nam Định), tương truyền là công chúa con trời, 3 lần bỏ cuộc sống đầy đủ trên thiên đàng, xin vua cha cho xuống trần gian để sống cuộc đời của một người phụ nữ bình dị với khát vọng về tự do, hạnh phúc – chính là biểu tượng cho ước vọng thứ hai. Hai ước vọng thiêng liêng ấy đã tạo nên Con Người.

Như vậy, tục thờ Tứ Bất Tử là một giá trị văn hóa tinh thần rất đẹp của dân tộc ta. Đó là tinh hoa được chắt lọc qua suốt chiều dài lịch sử, biểu tượng cho sức mạnh liên kết của cộng đồng để làm ruộng và đánh giặc, cho khát vọng xây dựng một cuộc sống vật chất phồn vinh và tinh thần hạnh phúc.

(Theo PGS. Trần Ngọc Thêm – Cơ sở văn hóa Việt Nam – 1999)